Độc đáo nước suối sôi sùng sục bốc khói ngày đêm ở Quảng Nam
(Dân trí) - Hai suối nước nóng có tên Vũng Ông và Vũng Bà ở Quảng Nam gắn liền với nhiều câu chuyện dân gian đầy bí ẩn, kỳ thú được người dân lưu truyền từ nhiều đời.
Báu vật giữa núi rừng
Thung lũng Tây Viên, thuộc xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam được ví như chốn bồng lai tiên cảnh ở phía tây. Mỗi buổi sớm đầu ngày, từ làng Tây Viên nhìn về phía mặt trời nhô lên khỏi đỉnh Hòn Tàu, Hòn Dung, Hòn Châu và Núi Chúa sừng sững, phong cảnh hùng vĩ, nên thơ khiến say lòng bao du khách.
Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng với những huyền tích về hai mạch nước nóng trên cánh đồng Tây Viên.
Hai mạch nước nóng ngầm cách nhau hơn 20m từ trong lòng đất phun lên, không quanh co, róc rách như những dòng suối nước mát khác. Hai mạch ngầm phun trào ngay giữa một gò đất cao hơn mặt ruộng vài chục centimet từ cách đây hàng trăm năm.
Năm 1998, một doanh nghiệp tài trợ xây dựng 2 bể bằng xi-măng không đáy ngay tại địa điểm mạch nước nóng phun trào. Mỗi bể có diện tích khoảng 15m², giúp gom dòng nước nóng, giữa bể có ống sắt để nước tự chảy như vòi nước máy bình thường cho người dân sử dụng.
Hai bể có tên gọi phân biệt là Vũng Ông có hình lục giác, Vũng Bà được xây hình ô van mềm mại. Suối nước nóng Tây Viên được những người đam mê du lịch thích trải nghiệm, khám phá xếp vào một trong 7 suối nước nóng nổi tiếng nhất Việt Nam.
Theo các nhà khoa học địa chất, 2 mạch nước nóng ngầm này xuất phát từ chân dãy Hòn Tàu xanh thẳm. Dãy núi này có chu vi khoảng 100km² thuộc 3 huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và Nông Sơn nên có trữ lượng nước ngầm rất lớn và luôn ổn định.
Trong mạch nước nóng này là các chất khoáng như canxi, lưu huỳnh, sắt, kali… rất tốt cho sức khỏe con người.
Vào mùa nắng nóng, trời cao xanh lồng lộng chỉ nhìn thấy trong đáy hai bể nước nóng phủ màu bùn trắng, sủi bọt tăm, hơi nước bốc nhè nhẹ với sức nóng khoảng 60 độ C.
Vào mùa đông âm u, lạnh lẽo, bể nước luôn vờn quyện màu trắng toát khói sương bồng bềnh, huyền ảo.
Bà Nguyễn Thị Tám (68 tuổi, xã Sơn Viên) cho biết, không rõ 2 suối nước này có từ bao giờ, chỉ biết ông cha kể lại rằng suối đã có từ hàng trăm năm trước.
Lúc trước, lối đi dẫn vào 2 suối nước khá khó khăn, nhưng sau đó được một doanh nghiệp đầu tư điện chiếu sáng, làm đường nên bây giờ vào dễ dàng hơn.
"Chúng tôi thường dùng nước này để tắm, có công hiệu chữa bệnh ngoài da. Có người ở tận Đà Nẵng, Quảng Ngãi nghe tin cũng đến đây thuê nhà trọ, hàng ngày lấy nước về dùng. Nhiều du khách đi ngang qua làng cũng ghé vào tham quan, xin nước mang đi", bà Tám cho hay.
Sự hình thành vẫn là điều kỳ bí
Dân gian còn lưu truyền khá nhiều truyền thuyết, những sự kiện kỳ lạ nhưng chưa kiểm chứng về 2 dòng suối nước nóng này. Những câu chuyện ly kỳ được người đời gói ghém, thêu dệt tuy có khác nhau nhưng đều dừng lại trong sự lý giải đầy bí ẩn của thiên nhiên.
Theo người dân xã Sơn Viên, 2 suối nước nóng này đã xuất hiện từ rất lâu đời nhưng chưa thấy tài liệu nào ghi về lịch sử hình thành. Những cụ cao niên nhất ở đây cũng chỉ nghe kể lại những câu chuyện, truyền thuyết xung quanh sự ra đời của dòng suối nước nóng này.
Theo các nhà nghiên cứu địa chất học, suối nước nóng Tây Viên có thể đã được hình thành sau những kiến tạo địa chất hàng triệu năm về trước. Đây là mạch nước ngầm, xuất phát từ núi Hòn Tàu có trữ lượng lớn và luôn được ổn định quanh năm.
Ngày nay, người dân vẫn dùng nước từ 2 suối này trong sinh hoạt, đây được xem như "báu vật" của làng.
Ông Đỗ Tứ (95 tuổi, xã Sơn Viên) cho biết, 2 suối nước này được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Xung quanh suối nước nóng, những đồng lúa vẫn xanh tốt. Hai mạch ngầm nước nóng phun lên từ trong lòng đất tạo thành một con mương nhỏ len lỏi qua các thửa ruộng, rồi hòa nhập vào dòng khe nước mát khá lớn cách đó không xa. Lúc hạn hán, thiếu nước tưới, chính 2 suối nước nóng này đã giúp nông dân chống khô hạn.
Được biết, 2 suối nước nóng này được địa phương đưa vào nghiên cứu phát triển du lịch. Đây là điểm đến thú vị nằm trong lộ trình khép kín khi du khách ghé thăm khu đền tháp Mỹ Sơn, làng trái cây Đại Bình, thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng và suối mát Đèo Le…