Kon Tum

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm

(Dân trí) - Món gỏi kiến của người dân Rơ Mâm trên vùng biên giới Mo Rai (Sa Thầy, Kon Tum) đã được lưu truyền hàng trăm năm nay. Cách làm thì rất dị thường nhưng món ăn lại rất thơm ngon, bổ dưỡng.

Dưới cái nắng 40 độ, chúng tôi xuyên qua những cánh rừng để thăm bà con dân tộc cổ Rơ Mâm, đây là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất cả nước. Hiện nay, cả nước chỉ còn một bộ phần nhỏ người Rơ Mâm sống ở làng Le (xã Mo Rai, Sa Thầy) với gần 160 hộ (460 nhân khẩu). Là tộc người cổ sống từ lâu trong rừng sâu nên bà con Rơ Mâm thường có nhiều món ẩm thực rất kì dị, khác thường, ít ai có thể thưởng thức.

Kì dị món gỏi kiến của người Rơ Mâm trên vùng biên

Để thưởng thức món gỏi kiến của người Rơ Mâm, thầy Võ Hoàng Sơn (Hiệu trường Trường TH và THCS Võ Nguyên Giáp) đã dẫn chúng tôi đến nhà anh A Khải (Người Rơ Mâm, làng Le, Mo Ray). Thầy Sơn bộc bạch: “Khi các bạn đến với bà con Rơ Mâm thì nhất định phải thưởng thức món gỏi kiến vô cùng độc lạ. Món này nghe tên thì nhiều người có cảm giác sợ và nhìn họ làm thì không dám ăn. Tuy nhiên, khi được nếm thử 1 lần rồi thì chắc chắn sẽ nghiền và không bị đau bụng, rất an toàn”.

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 1
Món gỏi kiến người tộc người cổ Rơ Mâm trên vùng biên giới Mo Rai

Đến trước nhà A Khải, chúng tôi đã nghe tiếng băm cá. Thấy chúng tôi, A Khải bắt tay chào khách: “Chúng tôi nghe có khách quý đến thăm nên đã bắt mấy con cá suối để làm món gỏi kiến. Các anh nếu muốn xem cách làm thì có thể ngồi xuống cùng làm với bà con.”.

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 2
Món ăn rất kì dị nhưng thơm ngon đến bất ngờ

Vừa làm, anh Khải vừa hướng dẫn tỉ mỉ: “Từ xa xưa, người dân Rơ Mâm đã sống trong rừng sâu, ít dùng lửa. Khi bắt cá suối, bà con thường lọc thịt và băm nhuyễn ra để dễ ăn và hạn chế mùi tanh. Sau đó, họ bắt vài tổ kiến vàng thả vào cá đã băm nhuyễn để kiến tiết ra chất axit làm chín cá. Khoảng 30 phút sau, bóp đều kiến vàng và cá, rồi dùng ít rau rừng để cuốn. Bà con gọi đây là món Plat (gỏi kiến vàng), còn trộn thêm thính gạo vào gỏi thì gọi là món Trót IagLia.

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 3
Theo bà con Rơ Mâm, món ăn xưa kia thường ăn trong lúc đi làm. Tuy nhiên, giờ đây đã thành đặc sản và ăn lúc dịp lễ tết hoặc nhà có khách quý đến thăm

“Đúng với hương vị của người Rơ Mâm thì phải chọn cá suối để thịt tươi ngon. Như vậy, khi bóp gỏi với kiến vàng thì ăn sẽ mang lại ngọt, dai và thơm tự nhiên mà không có vị tanh. Thường người dân sẽ tìm kiếm những tổ kiến thật to và có trứng kiến vàng. Lúc ăn, gỏi sẽ thêm vị bùi, ngậy của trứng và chua của kiến”, A Khải cho biết thêm.

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 4
Ai đến thăm tộc người Rơ Mâm đều có thể thưởng thức được món gỏi kiến độc, lạ

Món ăn gỏi kiến vàng có hương vị rất lạ miệng. Lúc thưởng thức sẽ thấy vừa có vị ngọt và thơm của cá suối hòa với vị chua chua của kiến. Để ngon miệng hơn, bà con Rơ Mâm thường dùng những lá rừng như: lá sung, lá lộc vừng, lá xoài non… ăn kèm, giúp món ăn đỡ ngán, hấp dẫn hơn. Món ăn này có giá trị dinh dưỡng rất cao và được bà con thường làm trong các dịp lễ tết hoặc tiếp khách quý đến thăm.

Hành trình để làm ra món gỏi kiến của tộc người cổ Rơ Mâm:

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 5
Các còn tươi được xẻ lấy phần thịt và băm nhuyễn
Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 6
Khi cá đã băm nhiễm thì trộn với rau thơm và bưng đi tìm những tổ kiến vàng để ướp chín cá
Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 7
Cho trực tiếp kiến vàng vào phần cá đã băm nhuyễn và ướp khoảng 30 phút
Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 8
Văn thật khô món gỏi kiến để món cá có vị thơm, chua...
Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 9

Có thể dùng thịt hoặc cá..để ướp với kiến vàng

Độc đáo món gỏi kiến của người Rơ Mâm - 10
Để cho món gỏi ngon hơn thì nên ăn kèm với cá lá rừng có vị chát

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm