Độc đáo lễ hội Shoton tại Tây Tạng

(Dân trí) - Được tổ chức tại Lhasa, Shoton là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở Tây Tạng, Trung Quốc. Lễ hội được diễn ra vào tháng 8 và kéo dài 7 ngày tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng.

Lễ hội Shoton thường bắt đầu bằng một buổi lễ "tắm nắng tượng Phật" ở tu viện Drepung 600 tuổi, tu viện lớn nhất của phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng. Ngoài ra, lễ hội còn bao gồm nhạc kịch Tây Tạng, trình diễn nghệ thuật dân gian, đua bò và đua ngựa.

Độc đáo lễ hội Shoton tại Tây Tạng


Trong tiếng Tây Tạng, “Shoton” có nghĩa là “Sữa chua”, vì vậy mà lễ hội Shoton còn được gọi là lễ hội sữa chua. Theo truyền thống, đây là thời điểm những người hành hương mang sữa chua để để cúng dường các nhà sư đã trải qua khóa tu thiền. Sữa chua Tây Tạng thường được làm từ sữa trâu yak (hay còn gọi là trâu lùn), một đặc sản của Tây Tạng.

Lễ hội Shoton có từ thế kỷ thứ 11 và nguyên thuỷ là một lễ tôn giáo, là lúc cư dân địa phương cúng dường sữa chua cho các nhà sư đã trải qua khoá tu thiền.

Độc đáo lễ hội Shoton tại Tây Tạng


Hơn 1.000 năm trước, lễ hội này được tổ chức để tỏ lòng tôn kính đức Phật và mang nặng màu sắc tôn giáo. Trong ngày đầu tiên của lễ hội, những bức tranh Thangka khổng lồ vẽ chân dung đức Phật sẽ được trải ra trước sự tôn kính vô hạn của những tín đồ Phật giáo Tây Tạng.

Kể từ thế kỷ thứ 17, Lễ hội Shoton đã trở thành một dịp dành cho các nghi thức Phật giáo, trình diễn nhạc kịch Tây Tạng và đua bò. Ngày nay, các hội chợ thương mại và các cuộc triển lãm xe hơi và bất động sản cũng được tổ chức trong suốt lễ hội này.

Lễ hội Shoton còn là dịp thu hút du khách đến “vùng đất thần linh”. Bên cạnh những nghi thức tôn giáo, du khách còn có thể tham gia những hoạt động nhảy múa, xem biểu diễn nhạc kịch, trình diễn nghệ thuật dân gian, xem đua trâu, đua ngựa… Và dĩ nhiên, cũng không thể bỏ qua một chén sữa chua đặc trưng hương vị Tây Tạng.

Minh Anh (tổng hợp)