Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Độc đáo lễ hội Nàng Han của người Thái ở Lai Châu

Hồng Anh

(Dân trí) - Lễ hội Nàng Han có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lai Châu được biết đến với những ngọn núi hùng vĩ, khí hậu trong lành và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao.

Mảnh đất này được đánh giá là có nhiều tiềm năng du lịch và đang được chính quyền địa phương tập trung phát triển những năm qua.

Lai Châu đặt mục tiêu biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, song cũng xác định sẽ phát triển bền vững, không đánh đổi bằng mọi giá.

Lai Châu triển khai khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tỉnh này đã phục dựng nhiều lễ hội như lễ hội của các dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La, lễ hội Gầu Tào... Trong đó, không thể không kể đến lễ hội Nàng Han.

Lễ hội này là một hoạt động cụ thể của việc thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án giúp khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa thông qua các hình thức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Lễ hội Nàng Han được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch tại bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ. Lễ hội Nàng Han thực sự trở thành ngày hội lớn của bà con dân tộc người Thái ở Mường So và nhân dân các dân tộc quanh vùng.

Độc đáo lễ hội Nàng Han của người Thái ở Lai Châu - 1

Tiết mục văn nghệ trong lễ hội Nàng Han (Ảnh: Mai Hiên).

Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa đất Thái thường xuyên bị quân giặc xâm lược. Chúng thường xuyên cướp của, đốt phá, chiếm đất và giết hại dân lành. Nàng Han là người nhà trời, được cử xuống giúp dân đánh giặc, giữ bản làng.

Lễ hội Nàng Han gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, thầy mo sẽ thực hiện cúng và dâng hương tại đền thờ Nàng Han, mó nước Nàng Han. Vật phẩm làm lễ gồm thịt lợn, thịt gà, rượu thơm, hương, hoa, quả, trầu, cau do chính dân bản dâng lên.

Phần hội có nhiều hoạt động phong phú, mang đậm màu sắc của phong tục địa phương như: Múa xòe trình diễn trang phục truyền thống, thi ẩm thực, các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian của dân tộc Thái (đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co)...

Lễ gội đầu là một phần nghi thức không thể thiếu trong lễ hội Nàng Han. Lễ gội đầu nhằm tỏ lòng thương nhớ, kính trọng và biết ơn của người Thái với công lao to lớn của Nàng Han.

Người Thái cũng mong muốn rửa trôi những vất vả, điều không may mắn của năm cũ và cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.

Độc đáo lễ hội Nàng Han của người Thái ở Lai Châu - 2

Lễ gội đầu là một phần nghi thức không thể thiếu trong lễ hội Nàng Han (Ảnh: Mai Hiên).

 Thầy cúng đến mó nước Nàng Han để xin nước rồi rước về cầu an, trừ tà với niềm tin Nàng Han đang đi cùng. Thầy cúng thực hành nghi lễ, cúng thần núi, thần sông và cầu phúc, thể hiện ý nguyện của dân làng với các vị thần trong năm mới, cũng như tạ ơn một năm được các vị thần bảo vệ, che chở.

Trước khi gội đầu, các cô gái Thái sẽ thoa nước và lá thơm lên tóc như một sự tôn kính và tưởng nhớ nữ tướng Nàng Han thuở xưa gội đầu nơi đây.

Lễ hội Nàng Han có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Việc phục dựng, duy trì tổ chức lễ hội Nàng Han hàng năm đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh.

Lễ hội cũng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch trong vùng đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu. Đây cũng là nội dung quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.