Độc đáo lễ hội Chạy lợn ở Hà Nội

Ngày 6/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), lễ hội truyền thống Chạy lợn đã được nhân dân làng Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tưng bừng tổ chức.

Buổi lễ được bắt đầu bằng nghi lễ tổ chức trang trọng linh thiêng tưởng nhớ tới các anh linh hào kiệt có công với dân với nước. Ngoài phần lễ, các bô lão trong làng cũng thể hiện nghi thức Vật lão trước bàn thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tuy vậy, phần chính của lễ hội được nhiều người chờ đợi nhất chính là lễ Chạy lợn.

 

Ngay từ sáng sớm, người dân Duyên Yết tổ chức đoàn rước, có tổng cờ, đội múa lân, sư tử, trống... khiêng kiệu lợn vào khu vực đình chính. Lợn tham gia trong lễ hội Chạy lợn phải được nuôi hết sức cẩn thận. Trước khi diễn ra lễ hội 10 ngày, lợn được cho ăn cháo gạo nếp, tắm bằng nước lá thơm, khi rước lợn vào đình, phải đặt lợn nằm trong cũi đỏ.

 

Lễ hội “Chạy lợn” được tổ chức ở Duyên Yết, Hồng Thái (Hà Nội). Ảnh: Nhật Anh - TTXVN
Lễ hội “Chạy lợn” được tổ chức ở Duyên Yết, Hồng Thái (Hà Nội). Ảnh: Nhật Anh - TTXVN



Mỗi xóm cử ra hai thanh niên cường tráng, chưa vợ, đầu chít khăn đỏ, quấn thắt lưng đỏ cùng với mười tráng đinh tham gia mổ lợn. Khi tiếng trống lệnh nổi lên, lập tức khiêng lợn về vị trí giết mổ. Động tác đầu tiên là cắt nhanh chiếc thủ lợn nhúng vào nồi nước sôi. Sau khi làm sạch lông thủ lợn, đưa vào nồi luộc. Những người còn lại làm nhanh để có đủ 10 món, 9 đĩa bày vào mâm cỗ để tế Thần gồm: thủ, vĩ, tim, gan, bầu dục, thịt vai, thịt mông và phải có lá mỡ chài phủ lên thủ lợn để trang trí cho mâm cỗ.

 

Lợn giết mổ không bị thủng ruột, không được mổ phanh, các vết mổ trên mình lợn phải nhỏ gọn, kín đáo mới đúng quy định. Từ khi mổ đến khi mâm cỗ được làm xong để tế Thần chỉ hết hai đến ba phút, chậm hơn sẽ không được chấm điểm. Đội nào thắng, làng thưởng tất cả số lợn trên để chia phần ăn tiệc làng.

 

Lễ hội Chạy lợn xuất hiện từ thời Vua Hùng Vương thứ XVIII gắn với vị tướng Hiệu Cao Sơn Đại Vương. Khi vị tướng hành quân qua đây để đánh giặc, các cụ bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng nhưng phải làm thật nhanh để còn kịp hành quân đánh giặc.

 

Cũng từ đó, cứ vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức mở hội. Ngoài nghi lễ chính, lễ hội Chạy lợn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian phục vụ nhân dân trong vùng.

 

Theo Đinh Thị Thuận

Baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm