Độc đáo lễ hội cầu Trăng của người Tày ở Hà Giang

(Dân trí) - Lễ hội cầu Trăng là ngày hội vui nhất của người Tày ở Hà Giang, trong những ngày này những người già gặp nhau hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Đây cũng là ngày hội để các chàng trai, cô gái gặp nhau qua những câu hát trao duyên. Đối với dân tộc Tày, tín ngưỡng dân gian luôn quan niệm trên cung trăng có mẹ trăng và 12 nàng tiên (con gái của mẹ). Mẹ trăng cùng 12 nàng tiên luôn chăm lo, bảo vệ mùa màng cho muôn dân.

Bởi vậy, đồng bào Tày ở thôn Bản Loan, xã Yên Định, huyện Bắc Mê (Hà Giang) thường xuyên duy trì tổ chức lễ hội cầu Trăng với ý nghĩa đón mẹ trăng và các nàng tiên xuống vui Tết Trung Thu. Trong những ngày này những người già gặp nhau hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện phát triển sản xuất, chăn nuôi. Với thanh niên, đây là ngày hội để các chàng trai, cô gái gặp nhau qua những câu hát trao duyên. Còn đối với trẻ em thì đây là ngày vui nhất, các em được rước đèn ông sao, được vui đùa, phá cỗ dưới ánh trăng rằm.

Lễ hội cầu Trăng là ngày hội vui nhất của người Tày ở Hà Giang.

Lễ hội cầu Trăng là ngày hội vui nhất của người Tày ở Hà Giang.

Lễ hội cầu Trăng được tổ chức đúng ngày Rằm tháng Tám, lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ thường được tổ chức vào tối 14/8 âm lịch trên một bãi đất rộng với các nghi thức "cúng thổ công chúa bản" tại ngôi miếu chung để xin phép cho dân bản được tổ chức lễ hội cầu Trăng vào đêm hôm sau.

Mở đầu phần hội là các màn múa vòng quanh bàn lễ đặt ngoài Trời. Tiếp đến, dân bản thi nấu các món ẩm thực truyền thống (cơm lam, xôi ngũ sắc, mắm thịt lợn, mắm cá chép, trám muối, măng muối...); chơi các trò chơi dân gian; quây quần ngồi uống rượu, thưởng thức các món ẩm thực vừa chế biến. Hòa quyện vào men rượu thơm nồng, ngây ngất, họ cùng nhau múa, hát với giai điệu mượt mà, đằm thắm, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi…

Đêm hôm sau, đúng vào ngày rằm tháng tám, khi mẹ trăng lên khỏi đỉnh núi và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở sân. Lúc này, thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế múa vòng quanh dàn cúng khi khai hội đón trăng.

Khi trăng lên giữa đỉnh đầu cũng là lúc đêm hội cầu trăng kết thúc.

Khi trăng lên giữa đỉnh đầu cũng là lúc đêm hội cầu trăng kết thúc.

Đêm hội cầu trăng kết thúc khi mẹ trăng lên đứng giữa đỉnh đầu, cả bản lưu luyến làm lễ tiễn mẹ trăng về trời, sau đó họ lại tiếp tục ngân nga trong câu hát then, hát cọi có sức lôi cuốn con người đến kỳ lạ. Kết thúc buổi lễ, già làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con một năm mới gieo trồng gặp thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm. Thông qua việc tổ chức lễ hội cầu trăng, bà con dân tộc Tày còn truyền dạy cho con cháu của mình lòng tự hào, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc.

Khi đến với lễ hội cầu trăng, không chỉ được nghe hát những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, mỗi du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của bà con dân tộc Tày như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối, xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối vừng.

Nhữ Trang (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm