Kiên Giang:
Độc đáo chợ nổi vùng Miệt Thứ Vĩnh Thuận
(Dân trí) - Trên sông Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) cách đây hơn 15 năm đã hình thành chợ nổi Vĩnh Thuận. Điểm độc đáo của chợ nổi này là hàng hóa chất trên ghe, vỏ lãi… thương hồ không rao mời hay treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe nhưng vẫn mua bán đắt hàng.
Miệt Thứ là vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Và trên sông Vĩnh Thuận (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã hình thành một khu chợ nổi mua bán tấp nập không kém những chợ nổi chứ danh, như: Chợ nổi Cái Răng, Chợ nổi Cái Bè, Chợ nổi Phụng Hiệp…
Chủ vựa trái cây Nghĩa – Thủy cho biết, chị đã tham gia buôn bán ở chợ nổi trên 15 năm. Chợ nổi bắt đầu họp từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 18 giờ hàng ngày. Khung giờ chợ hoạt động rộn rã nhất trong ngày từ 15 – 17 giờ và từ 4 – 7 giờ sáng. Vào những khung giờ này mỗi buổi chợ có cả ngàn ghe, xuồng, vỏ lãi đến mua bán.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, sông Vĩnh Thuận không lớn như sông Cái Răng (TP Cần Thơ), tuy nhiên ở đây có sự sắp xếp rất hài hòa, cụ thể đối với các ghe lớn, tất cả các ghe đều đậu sát bờ khu phố Vĩnh Phước 2, phần mũi ghe quay ra ngoài. Các phương tiện nhỏ còn lại như xuồng, vỏ lãi thì có thể di chuyển mọi nơi, có khi 3 - 4 xuồng cặp kè nhau mua bán giữa sông, tuy nhiên đa phần là neo đậu bờ thuộc khu phố Vĩnh Đông 2.
Các mặt hàng ở đây đa phần là các mặt hàng nông sản, như bầu bí, dưa leo, khóm…Và nhìn vào phương tiện vận chuyển hàng hóa có thể biết mặt hàng đó ở vùng Miệt Thứ hay ở nơi khác chuyển đến.
Chợ nổi Vĩnh Thuận, Kiên Giang
Anh Nguyễn Văn Dũng – một thương hồ chuyên mua đi bán lại các mặt hàng nông sản ở địa phương cho biết: “Đối với các ghe lớn đậu phía bờ khu phố Vĩnh Phước 2, đa phần là các ghe chở hàng hóa từ Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau… đến đây bán lại và trên ghe có treo hàng hóa mà họ muốn bán. Còn các hàng hóa được chất trên vỏ lãi, xuồng… là các mặt hàng nông sản của người dân địa phương tự trồng rồi mang ra chợ bán lại.
Bồng bềnh trên một chiếc ghe nhỏ, dọc xuôi khu chợ nổi Vĩnh Thuận, chúng tôi không nghe những tiếng rao í ơi hay những tiếng trả giá căng giọng của người mua, người bán. Điều đặc biệt tại chợ nổi này là hàng hóa được chất trên các phương tiện, thương hồ không rao mời hay treo hàng hóa lủng lẳng trên các thanh cây đặt trước mũi ghe như chợ nổi Cái Răng, tuy nhiên khách thương hồ đều biết ở vị trí nào, phương tiện nào bán mặt hàng gì… Và họ tìm đến nhau, những cuộc trao đổi mua bán chóng vánh diễn ra như đã giao kèo từ trước.
Dòng sông Vĩnh Thuận là tuyến kênh dọc theo quốc lộ 63 đi về Cà Mau nên có nhiều xà lan, ghe lớn lưu thông. Do vậy, chính các phương tiện hàng nặng này thường xuyên lưu thông nên phần nào đó làm cho chợ nổi Vĩnh Thuận không còn tấp nập như trước đây.
Chợ hoạt đồng từ rất sớm
Càng gần sáng thì lượng phương tiện tập trung về chợ nhiều hơn nhưng chủ yếu là các vỏ lãi
Các vỏ lãi chở hàng nông sản này là dân địa phương trồng rồi mang ra chợ bán lại
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng như tham gia buôn bán ở chợ nổi Vĩnh Thuận chủ yếu là vỏ lãi
Dù không mời rao nhưng việc mua bán của các thương hồ ở đây rất đắt hàng
Dù là vùng đất nước mặn quanh năm nhưng ở đây bà con vùng Miệt Thứ trồng rất nhiều hoa màu
Rất hiếm một chiếc thuyền chèo như thế này ở Chợ nổi Vĩnh Thuận
Các ghe lớn đậu sát bờ và phần mũi ghe quay ra ngoài
Điểm nổi bật ở chợ nổi này là có nhiều vừa cá, chuyên mua bán các loại cá đồng, cá biển...
Các ghe cheo bẹo thế này thường là dân thương hồ đến từ chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ.
Nguyễn Hành – Nguyễn Trần