Doanh nghiệp đau đầu "chạy đôn đáo" vì thiếu nhân sự du lịch chất lượng cao

Thúy Thanh

(Dân trí) - Hơn 50% nhân sự đã nghỉ hoặc chuyển việc do Covid-19, một số khách sạn cho biết, họ "đau đầu" khi tìm nhân sự du lịch chất lượng cao thay thế.

Doanh nghiệp "chạy đôn, chạy đáo" vì thiếu nhân sự du lịch chất lượng

Hơn một tháng nay, bà Lê Ngọc Diệp, đại diện Radisson Hotel Đà Nẵng phải "chạy đôn, chạy đáo" tìm nhân lực cho khách sạn, nhất là những ngày cuối tuần.

Lễ 30/4 sắp đến, tỉ lệ lấp đầy phòng trống đến thời điểm hiện tại đã đạt hơn 70% nhưng bà Diệp cho biết, khách sạn buộc phải tạm dừng nhận khách vì nhân sự buồng phòng chưa thể đáp ứng đủ.

"Chúng tôi đã trải qua mùa hè 2022 - một mùa hè rất cam go về sự chênh lệch giữa cung và cầu. Năm nay, chúng tôi đã nỗ lực tìm kiến nhân sự từ đầu năm. Sẵn sàng trả lương cao với các vị trí quản lý, đề xuất ký hợp đồng dài hạn, nhưng họ từ chối, phần lớn nhân viên chỉ thích làm công nhật, điều này tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình quản lý", bà Ngọc Diệp trăn trở.

Doanh nghiệp đau đầu chạy đôn đáo vì thiếu nhân sự du lịch chất lượng cao - 1

Lượng khách quốc tế trở lại sau đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp du lịch đau đầu vì thiếu nhân sự (Ảnh minh họa: Tố Linh).

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực lưu trú, có hai bài toán đau đầu về nhân sự cần được tháo gỡ là giữ người cũ và tuyển người mới để phát triển nội bộ. Phải làm sao để đảm bảo cân bằng giữa hai loại nhân sự là entry level (người trẻ, chưa đòi hỏi kinh nghiệm) và nhân sự quản lý. Vừa song song tìm nguồn tuyển dụng, vừa phải đào tạo lớp kế cận để bù đắp được khoảng trống. 

Các doanh nghiệp du lịch đang phải cạnh tranh gay gắt trong khâu tuyển dụng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau, mà với cả các ngành nghề khác. Nguồn nhân lực du lịch phân tán mạnh, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt lượng lao động bổ sung mới. 

Bên cạnh đó, do thời gian "đóng băng" du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.

Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực du lịch không phải đơn giản do không phải trường Đại học nào cũng có những mô hình thực tế để sinh viên được thực hành các nghiệp vụ, kỹ năng. Do đó, nhiều sinh viên ra trường "vững kiến thức" nhưng "yếu thực tế", không thể đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ngành du lịch cần hơn 3 triệu lao động

Tiến sĩ Bùi Cẩm Phượng, Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Thăng Long cho biết, theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch cần hơn 3 triệu lao động, trong đó khoảng 1 triệu lao động trực tiếp. Do vậy, đây là ngành nghề thiếu nhân lực và có cơ hội việc làm lớn sau khi ra trường.

Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, cơ cấu ngành nghề có nhiều thay đổi đặc biệt là du lịch. Việc đào tạo vì thế cũng phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới.

"Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ ảnh hưởng đậm nét đến mô hình dịch vụ du lịch. Không còn là các sản phẩm du lịch truyền thống, vận hành theo kiểu thủ công mà sẽ là số hóa các sản phẩm, dữ liệu lớn và điện toán đám mây kết hợp với thương mại điện tử, tự động hóa dịch vụ…", bà Phượng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ câu chuyện đào tạo nhân sự du lịch ở Đại học Thăng Long, bà Phượng cho biết, chuyện đào tạo phải gắn với trải nghiệm thực tế, để sinh viên ra trường đáp ứng được ngay những yêu khắt khe của nhà tuyển dụng. 

"Tại Đại học Thăng Long, ban lãnh đạo trường với quan điểm "Kiến trúc thay đổi tư duy" nên ngay từ khi xây dựng đã dành riêng tầng 9 và tầng 10 để thiết kế tổ hợp nhà hàng, khách sạn. Hệ thống nhà hàng, quầy bar, khách sạn, không gian bếp… đều theo tiêu chuẩn 5 sao với đầy đủ nội - ngoại thất tiện nghi; trang thiết bị, dụng cụ thực hành hiện đại…

Sinh viên Du lịch được thực hành thuần thục các nghiệp vụ như lễ tân, tổ chức sự kiện - hội nghị, phục vụ buồng phòng, nấu ăn, pha chế, phục vụ bàn, quản lí nhà hàng-khách sạn... Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay luôn ở mức trên 90%. Chúng tôi cũng rất tự hào khi nhiều sinh viên thậm chí còn được nhà tuyển dụng săn đón, trải thảm đỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường", bà Phượng nói.

Doanh nghiệp đau đầu chạy đôn đáo vì thiếu nhân sự du lịch chất lượng cao - 2

Theo bà Phượng, để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng phải gắn lý thuyết với trải nghiệm thực tế. Trong ảnh là quầy bar cho sinh viên thực hành ngay tại trường đại học (Ảnh: T.T).

Chia sẻ về câu chuyện bài toán nhân sự du lịch, ông Bình Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng cho rằng đây là vấn đề nóng của ngành.

Sau Covid, lực lượng nhân sự của ngành du lịch đến nay mới chỉ đạt được khoảng 50%. Nếu muốn đón được lượng khách như năm 2019, đạt chỉ tiêu năm 2023, chúng ta phải sớm khôi phục được lực lượng nhân sự của ngành.  

"Chất lượng dịch vụ bây giờ phải khác trước. Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú tại khách sạn, mà phải "bán" trải nghiệm, bán cảm xúc, dịch vụ", ông Bình nói.

Đối với đào tạo nhân sự, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng cho rằng, không thể bắt đầu lại từ đầu theo cách truyền thống mà phải tập trung vào đào tạo nhân lực theo chất lượng quốc tế, sinh viên ra trường có thể làm việc ngay.

"Thực tế, nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch còn chiếm tỷ lệ thấp, trình độ chuyên môn chưa được cải thiện nhiều. Doanh nghiệp đau đầu tìm nhân sự, trong khi sinh viên du lịch nhiều trường tốt nghiệp lại chịu cảnh thất nghiệp, do không đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng. 

Đứng trước bài toán nan giải này, để phát triển ngành du lịch tại Việt Nam, theo tôi điều kiện cần thiết nhất chính là nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo để có được nguồn nhân lực chất lượng cao hơn", ông Bình nhấn mạnh.