Hội An:
Đìu hiu làng nghề giữa mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Các làng nghề ở TP Hội An từng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Dịch Covid-19 bùng phát khiến các làng nghề đìu hiu, lao động mất việc, các dịch vụ “ăn theo” cũng vắng khách.
Làng gốm Thanh Hà nằm bên bờ sông Thu Bồn thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Ngôi làng hơn 500 năm tuổi này từng thu hút từ 3-4.000 khách du lịch mỗi ngày. Du khách đến đây được chiêm ngưỡng nghệ thuật làm gốm từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và mua những món đồ gốm nhỏ xinh làm quà lưu niệm.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 10/3, thành phố Hội An tạm dừng bán vé tham quan làng gốm. Kể từ đó, khách du lịch vắng dần cho đến nay không còn người nào.
Bà Nguyễn Thị Thư - người dân làng gốm Thanh Hà - cho biết, do không có khách nên lao động làm nghề gốm tản mác mỗi người mỗi ngã, các quầy hàng bày bán sản phẩm đều đóng cửa.
“Khách đến người ta cũng không dám tiếp, bởi do dịch bệnh nên cấm các hoạt động tụ tập đông người. Những người trực tiếp lao động giờ phải dừng thì cuộc sống có những khó khăn nhất định. Buồn nhưng họ yên tâm, tiếp xúc nhiều thì người ta cũng sợ”, bà Thư chia sẻ.
Dạo một vòng quanh làng gốm Thanh Hà, những chiếc bàn xoay để làm ra sản phẩm gốm nằm chỏng chơ, lò nung tắt lửa, sân phơi vắng ngắt…. Cả làng gốm bây giờ chỉ còn mỗi gia đình anh Lê Quốc Tuấn cầm cự với nghề.
“Cái khó ló cái khôn”, trong khi hầu hết các sản phẩm làm quà lưu niệm nằm chất đống thì anh Tuấn chuyển hướng sang làm những sản phẩm gắn với nhu cầu thiết thực của người dân. Anh chuyển từ việc nặn con tò he (người dân địa phương gọi là con tu huýt), hay những con vật gắn bó với người nông dân như bò, trâu, lợn… sang làm bình hương, nồi xông tinh dầu, thảo mộc hay lọ cắm hoa…
Hay như trước đây anh làm đồ gốm để bán cho các khách sạn trên địa bàn thì nay chuyển sang làm đồ gốm bán cho người dân để trang trí trong nhà.
“Vì dịch Covid-19, tất cả các khách sạn đã đóng cửa, khách họ không mua nữa nên tôi phải xoay chuyển. Nếu ngày xưa tôi bán cho nhà hàng, khách sạn cái nồi kho cá thì nay tôi chuyển sang chậu trồng hoa lan. Nếu mà không chuyển như vậy thì sẽ khó khăn”, anh Tuấn nói.
Làng rau Trà Quế nổi tiếng ở xã Cẩm Hà cũng dừng bán vé cho khách tham quan từ ngày 10/3. Hơn nửa tháng qua, bà con nông dân trồng rau ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Làng rau không còn khách tham quan, các nhà hàng đều đóng cửa. Một số siêu thị giảm lượng rau mua vào từ làng rau Trà Quế nên rau tiêu thụ chậm, giá bán giảm 30% so với ngày thường.
Người dân mang rau ra chợ bán. “Vàng thau lẫn lộn”, rau Trà Quế được chăm bón bằng phân hữu cơ giờ cũng như rau trồng bình thường ở nơi khác. Một số người rao bán rau trên mạng xã hội, giao rau tận nhà nhưng lượng rau bán ra không nhiều.
Ông Lê Mậu – một người dân trồng rau - cho biết: “Vợ tôi có cái sạp ở chợ nên bán cũng được, còn những người không mang ra chợ bán được thì thừa. Mà thừa thì bán rẻ hoặc cho, biếu những người không làm rau”.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hội An - cho biết, trong giai đoạn này, đối với các làng nghề nông nghiệp như làng rau Trà Quế thì còn dễ xoay trở. Thành phố động viên bà con duy trì sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Riêng đối với các làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà… hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Vân cho biết, việc bán vé tham quan hiện đã dừng và chưa biết khi nào mới mở cửa bán vé trở lại. Thống kê vài năm trở lại đây, doanh thu từ bán vé tham quan làng gốm Thanh Hà khoảng từ 15-17 tỷ đồng mỗi năm; làng nghề tre, dừa nước ở xã Cẩm Thanh doanh thu từ 12-15 tỷ đồng; làng rau Trà Quế thì doanh thu ít hơn, chủ yếu đem lại thu nhập cho người trồng rau.
“Các làng nghề liên quan đến du lịch bây giờ rất khó khăn. Toàn bộ hoạt động bán vé tham quan hiện nay dừng hết. Khả năng từ nay đến cuối năm giỏi lắm cũng duy trì được bộ máy hoạt động thôi. Nếu có chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển thì chờ thời gian nữa mới nói được chứ bữa nay đang dập dịch như thế này cũng chưa nói lên được điều gì hết”, bà Vân cho biết.
Công Bính