Dịp Tết, doanh thu từ "ngành công nghiệp không khói" giảm mạnh

Trần Lê

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng du khách cũng như doanh thu từ hoạt động du lịch tại Thanh Hóa giảm mạnh.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, ngành du lịch của Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Mặc dù trong thời gian qua, địa phương này không ghi nhận ca bệnh nào trong cộng đồng, bên cạnh đó, thời tiết trong những ngày Tết rất thuận lợi, tuy nhiên, qua thống kê cho thấy, lượng du khách đi du lịch giảm mạnh.

Dịp Tết, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói giảm mạnh - 1
Điểm du lịch tâm linh thông báo để du khách rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đi lễ.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), nhìn chung, Ban Quản lý các khu, điểm du lịch; các doanh nghiệp Du lịch trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Dán các tờ thông tin hướng dẫn của cơ quan y tế về dịch bệnh để du khách cập nhật thông tin; tổ chức phun thuốc khử trùng; chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để hướng dẫn du khách vệ sinh cá nhân.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt 5K (Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế); nắm bắt thông tin từ du khách chủ động cho việc báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quản chức năng khi du khách có những biểu hiện của bệnh dịch Covid-19.

Dịp Tết, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói giảm mạnh - 2
Thậm chí, có nơi còn đặt biển thông báo tạm dừng các hoạt động dâng hương.

Sở VH-TT&DL cho biết, trên địa bàn tỉnh này hiện nay có 925 cơ sở lưu trú du lịch với 41.300 phòng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại gần 600 khách sạn tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa đã đóng cửa nghỉ đông. Còn lại hơn 300 cơ sở lưu trú đang hoạt động. Các cơ sở lưu trú này đã thực hiện nghiêm đo thân nhiệt, đăng ký khai báo thông tin, khai báo y tế; lưu trữ thông tin y tế của khách lưu trú, khách sử dụng dịch vụ và khách đến liên hệ, làm việc, cung ứng vật tư, hàng hóa, dịch vụ theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Cũng theo sở VH-TT&DL, tại Thanh Hóa hiện có 40 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 3 chi nhánh lữ hành, 1 đại lý lữ hành và 30 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành từ ngày 10/1/2021 đến nay, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không tổ chức đưa, đón các đoàn khách du lịch tại các vùng có dịch.

Từ ngày 27/1/2021 sau khi phát hiện ca bệnh 1552 và 1553 tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương đã có hơn 40 đoàn với 800 khách du lịch báo hủy và hoãn chuyến đi du lịch. Các chương trình du lịch bị hủy, hoãn chủ yếu là các chương trình du xuân đầu năm, du lịch văn hóa tâm linh tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh phía Nam.

Theo báo cáo của VH-TT&DL, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa không đáng kể, khách hủy phòng tương đối lớn, lượng khách tâm linh tại các khu, điểm du lịch giảm mạnh, chủ yếu là người dân địa phương trong tỉnh.

Dịp Tết, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói giảm mạnh - 3
Du khách đến khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Cụ thể: Tổng lượt khách trong 7 ngày nghỉ Tết (Từ ngày 29/12/2020 đến ngày 4/1/2021 (âm lịch) ước đạt 108.000 lượt khách, giảm 56,2% so với dịp tết năm 2020. Tổng thu du lịch đạt 89,4 tỷ đồng, giảm 58,3% so với dịp tết năm 2020.

Công suất sử dụng phòng dịp tết trên cả tỉnh ước khoảng 22%, do chủ yếu là khách đi lễ chùa đầu năm, ít lưu trú qua đêm.

Cũng theo VH-TT&DL, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không xảy ra vấn đề mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch.