Địa đạo 32km giữa lòng dân và ngôi đình 4 xe tăng kéo không đổ ở Quảng Nam
(Dân trí) - Địa đạo Kỳ Anh dài 32km, là một trong 3 địa đạo dài và quy mô nhất Việt Nam, đặc biệt địa đạo còn chạy ngang qua ngôi đình thiêng Thạch Tân từng bị địch dùng 4 xe tăng kéo nhưng không đổ.
Địa đạo Kỳ Anh - huyền thoại trong lòng đất
Địa đạo Kỳ Anh thuộc xã Kỳ Anh trước đây, nay là xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ (Quảng Nam), cách trung tâm thành phố 7km về phía đông bắc. Đây là một trong 3 địa đạo dài và lớn nhất Việt Nam sau địa đạo Củ Chi (TPHCM) và Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị).
Công cuộc đào hầm bắt đầu từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài khoảng 32km, chiều rộng 0,5-0,8m, chiều cao 0,8-1m, tùy địa thế mỗi thôn.
"Thành lũy ngầm" này có hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước... trải khắp thôn xóm trong toàn xã. Trong đó, quy mô và sử dụng địa đạo có hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình.
Dụng cụ đào chỉ với cuốc, xẻng cán ngắn, xà beng và mủng, thúng… để đem đất đổ đi nơi khác. Vì là nơi gần sát tai, mắt của địch nên công việc được tiến hành vào ban đêm, bí mật và khẩn trương.
Miệng hầm nằm trong các nhà dân, gian bếp, chuồng bò, đình, bụi tre, giếng nước, gốc cây và được ngụy trang cẩn thận. Địa đạo có hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm chứa lương thực, thực phẩm… Đào địa đạo là lực lượng tổng hợp, là sức mạnh của quân dân gồm bộ đội, du kích địa phương, phụ nữ, nông dân và thanh thiếu niên.
Địa đạo Kỳ Anh là thành trì vững chắc giúp quân dân nơi đây bám trụ đánh địch mỗi khi chúng càn quét, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc kháng Mỹ cứu nước.
Đây cũng là nơi dân nuôi giấu cán bộ, đồng thời là nơi tổ chức sơ cấp cứu thương binh, nơi tiếp tế lương thực cho lực lượng vũ trang quân khu, tỉnh đội góp phần lập chiến công hiển hách, oai hùng.
Năm 1994, xã Kỳ Anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân". Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngôi đình làng 4 xe tăng kéo không đổ
Đình làng Thạch Tân được xây dựng hơn 300 năm trước để tưởng nhớ công ơn những người khai sinh vùng đất này. Trải qua nhiều lần trùng tu, đình được giữ nguyên hiện trạng với kiến trúc ngôi đình 3 gian 2 chái, kết cấu chồng rường giả thủ cực kỳ tinh xảo do chính những người thợ mộc Văn Hà trứ danh (thuộc huyện Phú Ninh, Quảng Nam) thi công.
Theo ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn Thạch Tân kiêm hướng dẫn viên khu di tích - điểm đặc biệt của ngôi đình không nằm ở vẻ bề ngoài, mà là những câu chuyện gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng, vết tích còn lại trên các cây cột là một minh chứng.
"Nhiều du khách khi tham quan ngôi đình luôn đặt câu hỏi về những cột trụ với những vết hằn đặc biệt này. Tôi gọi đó là những vết thương linh thiêng", ông Ta chia sẻ.
Tháng 7/1968, Mỹ xua quân càn quét vùng đông Quảng Nam. Khi đưa quân đến Thạch Tân, họ nghi ngờ người dân sử dụng ngôi đình làm nơi hoạt động cách mạng nên rắp tâm triệt hạ.
Thời điểm đó, sau khi đưa khoảng 6 đại đội bộ binh bố ráp quanh ngôi đình, địch cho 2 xe bọc thép cảnh giới, 4 chiếc xe tăng còn lại nổ máy tông sập tường bao.
Với loại cơ giới hạng nặng, quân địch cố ý tông vào cột hòng làm sập đình, nhưng ngôi đình vẫn đứng sừng sững. Sau một hồi bàn bạc, đám lính cho xe tăng lùi ra rồi dùng dây xích cỡ lớn buộc vào 2 cây cột ở gian giữa. Chúng tiếp tục nổ máy, rồ ga để giật sập nhưng kỳ lạ thay ngôi đình vẫn không chút xê dịch.
Nhiều lần kéo giật ngôi đình không đổ, dây xích cứa vào thân cột để lại những vết hằn rất sâu.
"Đến mãi bây giờ nhiều người vẫn không thể lý giải được vì sao ngôi đình cổ vẫn tồn tại, bởi khi nhìn cách bố trí dây xích kéo có thể thấy địch đã tính toán rất kỹ. Tôi không nói là mê tín, nhưng có những điều khó lý giải được", ông Ta kể.
Đứng trước "áp lực" tâm linh cũng như sự đấu tranh, phản đối của người dân địa phương, quân địch đã tháo dây xích và rời đi.
Tại đình Thạch Tân, tận dụng đình có vị trí thuận lợi, nhân dân địa phương đã đào 2 căn hầm rộng rãi ngay dưới nền đình để làm nơi cứu thương và chứa lương thực tiếp tế cho vùng tây bắc Tam Kỳ chống Mỹ.
Ngôi đình còn có cửa địa đạo được làm ngay phía sau kết nối với 32km địa đạo còn lại. Nhìn bên ngoài khó ai có thể phát hiện miệng hầm ở vị trí nào. Khi có việc phải xuống hầm, quân du kích chỉ việc cạy nắp hầm ngay dưới nền đình để chui vào.
Được biết, xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) có 237 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.252 liệt sỹ là những người trực tiếp cầm súng đánh giặc hy sinh cho đất nước, ngoài ra còn nhiều người dân vô tội bị bom đạn chết.