Di tích Lầu Bảo Đại ở Nha Trang có nguy cơ bị xâm hại?
(Dân trí) - Dư luận bày tỏ sự lo lắng trước việc thắng cảnh Lầu Bảo Đại (TP Nha Trang, Khánh Hòa) sẽ bị xâm hại sau khi được giao cho doanh nghiệp làm khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, lầu Bảo Đại nằm ở vị trí trên đồi Cảnh Long nhìn ra vịnh Nha Trang với kiến trúc đặc trưng Pháp. Trong những năm 1940 -1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường xuyên tới đây dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Theo sở Văn Hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, năm 1995, danh lam thắng cảnh biệt thự Cầu Đá (TP Nha Trang), gồm khuôn viên 5 biệt thự cổ, thường gọi là lầu Bảo Đại, được xếp vào danh sách di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Theo chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2011, Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà triển khai thực hiện Dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại.
Theo giấy chứng nhận đầu tư cấp cho Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại vào năm 2013, chủ đầu tư là Công ty Khánh Hà được sử dụng trên 8,9ha đất và 4,7ha mặt nước ở khu vực đồi Cảnh Long để xây dựng mới 45 căn biệt thự và khách sạn 5 sao 108 phòng.
UBND tỉnh cho chủ đầu tư cải tạo 5 biệt thự cổ được xây dựng từ những năm 1923 được vua Bảo Đại sử dụng làm nơi nghỉ chân khi tuần thú phương Nam. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được xây nhà hàng, gym và spa, bể bơi, bến thuyền, sân golf, phòng hội nghị, phòng trưng bày…
Năm 2014, UBND tỉnh thu hồi 13,6ha (gồm đất và mặt nước) do Khatoco quản lý giao cho Công ty Khánh Hà thuê để thực hiện dự án. Năm 2016, tỉnh Khánh Hòa có điều chỉnh về diện tích nhưng không đáng kể.
Trước sự lo lắng của dư luận, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết, lầu Bảo Đại thuộc đối tượng của Luật Di sản.
Trong các cuộc họp trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất giữ lại nguyên vẹn kiến trúc bên ngoài và cho phép thay đổi, sửa chữa, nâng cấp không gian bên trong 5 biệt thự.
“Việc cải tạo 5 biệt thự như thế nào, mức độ bao nhiêu thì chủ đầu tư phải trình phương án để các cơ quan chức năng lập hội đồng thẩm định, cho ý kiến để vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị”, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa - nói.
Trao đổi với báo chí, đại diện chủ đầu tư cho biết trong quá trình xây dựng, cải tạo công trình thì không thể tránh khỏi việc đào đắp. Tuy nhiên, 5 biệt thự cũ chủ đầu tư đang giữ nguyên hiện trạng, chưa sửa chữa, cải tạo bất cứ điều gì và đang được gìn giữ.
“Quan điểm chúng tôi là tôn tạo năm biệt thự và phát huy yếu tố cảnh quản, lịch sử. Phương án cải tạo các biệt thự sẽ được trình các cơ quan chức năng thông qua và dự kiến thực hiện quý II năm 2018”, một lãnh đạo chủ đầu tư dự án cho biết.
Di tích Lầu Bảo Đại ở Nha Trang có nguy cơ bị xâm hại
Thủy Nguyên