Đến thị trấn cấm không ai được phép chết, mặt trời không lặn suốt 4 tháng

Quốc Việt

(Dân trí) - Thị trấn nằm ở cực bắc của trái đất vào mùa đông, nhiệt độ hạ rất sâu xuống khoảng -40 độ C, nên nơi đây đã ban hành một luật lệ rất "lạ đời".

Đến thị trấn mặt trời không lặn suốt 4 tháng

Longyearbyen là một thị trấn khai thác than nhỏ trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy. Thị trấn nằm ở cực bắc của trái đất này còn nổi tiếng với điểm ngắm Bắc Cực quang, nên thu hút rất đông khách du lịch tới chiêm ngưỡng.

Đến thị trấn cấm không ai được phép chết, mặt trời không lặn suốt 4 tháng - 1
Longyearbyen, thị trấn nằm ở cực bắc của thế giới

Hiện thị trấn có khoảng 2.300 cư dân đến từ khoảng 50 quốc gia khác nhau. Họ "chia sẻ" không gian sống với gấu Bắc Cực và chấp nhận cảnh không có ánh sáng mặt trời suốt nhiều tháng liền trong những ngày đông giá rét. Được biết, Longyearbyen vốn là điểm dừng chân cuối cùng trước khi tới cực bắc, nên mùa đông tại đây vô cùng khắc nghiệt.

Vào tháng 2, nhiệt độ trung bình tại đây vào khoảng -15 độ C, thậm chí có lúc hạ kỷ lục xuống -40 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc, những thứ chôn dưới lòng đất cũng trong trạng thái đóng băng vĩnh cửu. Và suốt nhiều tháng trời, người dân sống hoàn toàn trong bóng tối.

Đến thị trấn cấm không ai được phép chết, mặt trời không lặn suốt 4 tháng - 2
Vào mùa hè, nhiệt độ ở đây có nhích lên đôi chút và mặt trời suốt 4 tháng không lặn

Trong khi đó vào mùa hè, nhiệt độ có nhích lên đôi chút. Đó là thời điểm mặt trời liên tục chiếu sáng suốt 4 tháng liền không lặn.

Chính bởi khí hậu quá khắc nghiệt, nên kể từ năm 1950, chính quyền thị trấn Longyearbyen bắt buộc đưa ra lệnh cấm kỳ lạ - đóng cửa nghĩa trang và ban hành lệnh cấm cư dân chết ở đây.

Bởi vậy, với những người ốm yếu sắp lâm chung, họ sẽ được đưa lên máy bay về đất liền ... chờ chết. Đó cũng là nơi họ sẽ được an táng, thay vì ở nơi sinh sống ban đầu.

Đến thị trấn cấm không ai được phép chết, mặt trời không lặn suốt 4 tháng - 3
Những mái nhà phủ kín tuyết

Không phải vô cớ chính quyền địa phương đưa ra luật lệ lạ này. Trước đó, vào năm 1918, một đại dịch cúm hoành hành khắp châu Âu khiến hàng trăm triệu người mắc. Khoảng 100 triệu người tử nạn vì nó, trong số đó có những cư dân ở thị trấn Longyearbyen. Dịch cúm sau này được dập tắt. Người ta cũng chôn những nạn nhân tử vong vì mắc cúm. Mọi chuyện tưởng như đã kết thúc.

Đến thị trấn cấm không ai được phép chết, mặt trời không lặn suốt 4 tháng - 4
Do khí hậu quá lạnh giá khiến thi thể không phân hủy, buộc chính quyền địa phương phải ban hành lệnh cấm chết

Thế nhưng, nhiều năm sau, các nhà nghiên cứu vô tình phát hiện những tử thi này không bị phân hủy bởi lớp đất đóng băng bảo quản xác quá tốt. Thậm chí, virut cúm trong người nạn nhân cũng không mất đi. Lo sợ bệnh dịch tiếp tục phát tán, giới chức địa phương buộc phải đưa ra "lệnh cấm chết".

Tại sao chết ở thị trấn này bị coi là hành vi bất hợp pháp?

Nếu không xét đến yếu tố khí hậu khắc nghiệt, thì Longyearbyen được đánh giá là thị trấn thơ mộng, yên bình. Đây cũng là nơi duy nhất ở Na Uy du khách có thể tới mà không cần visa.

Mặc dù vậy, do "sống chung" cùng gấu Bắc Cực, nên việc con người bị loài vật này tấn công không còn là điều hiếm gặp. Người dân và du khách khi tới đây luôn được khuyến cáo luôn mang sẵn các vật dụng để bảo vệ bản thân.