Đến Ibaraki không chỉ để xem, mà còn để cảm nhận tinh thần Nhật Bản

(Dân trí) - Nhật Bản là một xứ sở độc đáo, với nhiều nét riêng biệt, thậm chí “một mình một kiểu”. Vì vậy, đến với đất nước này, ta không chỉ được tham quan những địa danh, công trình hết sức đặc trưng, mà còn được trải nghiệm một nền văn hóa với cốt cách không lẫn vào đâu được.

Tokyo, Kyoto hay Osaka đều là những thành phố lớn, nổi tiếng và đáng đến của Nhật Bản. Nhưng những nơi đó có điểm hạn chế là quá đông du khách, nên phần nào che lấp cái “hồn cốt” của tinh thần Nhật Bản. Với những người đã quen thuộc với các điểm đến trên, nước Nhật vẫn còn rất nhiều “hòn ngọc” tiềm ẩn nhiều bất ngờ thú vị, có thể cho ta những cảm nhận rõ nét hơn, nguyên bản hơn. Một trong số đó là tỉnh Ibaraki.

Tiềm năng du lịch lớn

Chỉ cách thủ đô Tokyo khoảng 100km, Ibaraki ở vị trí rất thuận tiện cho du khách. Hơn thế nữa, dù cách không xa nhưng Ibaraki hoàn toàn thoát khỏi cái ồn ã, đông đúc đến nghẹt thở của Tokyo. Có vẻ như địa phương này chưa thực sự khai thác đúng tiềm năng du lịch của mình, dù đã có những điểm tham quan rất đặc biệt và khá nổi tiếng như Ushiku Daibutsu – Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới; Kairaku-en – một trong ba khu vườn đẹp nhất nước Nhật; Công viên Hitachi với hàng nghìn loài hoa và cây độc đáo khoe sắc gần như quanh năm…


Ushiku Daibutsu - Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới. Dưới chân tượng là những luống hoa đầy màu sắc.

Ushiku Daibutsu - Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới. Dưới chân tượng là những luống hoa đầy màu sắc.

Chị Tomoko Kiuchi, một nhân viên của Sở Du lịch Ibaraki cho biết, du khách trong nước và quốc tế đến với Ibaraki nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu, là những thời điểm hoa nở rực rỡ nhất tại đây. Vào mùa xuân, hoa anh đào khắp nơi, hoa mận tràn ngập vườn Kairaku-en, còn mùa thu thì Công viên Hitachi đông nghẹt người tới thưởng ngoạn màu đỏ rực của những bụi cây Kochia trải khắp những ngọn đồi…

Chúng tôi đến Ibaraki vào mùa hè, khi có ít màu sắc rực rỡ nhất. Khắp nơi là một màu xanh mướt. Với dân số chỉ khoảng 3 triệu người trên diện tích hơn 6.000 km2 và lượng du khách không nhiều vào mùa này, Ibaraki thật êm đềm, yên ả với những thành phố, thị trấn nhỏ thưa thớt và những miền thôn dã trong lành, tinh khôi. Trong số ít ỏi những du khách nước ngoài mà chúng tôi gặp, một số tỏ ra hơi thất vọng vì mùa này Ibaraki không thật đẹp như những bức tranh đầy màu sắc mà họ được nghe kể và xem qua trước đó.

Trái lại, với những người muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục, thói quen, cách sinh hoạt, và sâu xa hơn nữa là cảm nhận cốt cách, tinh thần của người Nhật, thì đây là một dịp rất tốt, bởi ta phần nào được hòa mình vào cuộc sống của người bản xứ.

Những bụi cây Koicha trứ danh ở Công viên Hitachi vào mùa này đang có màu xanh. Đến tháng 10, chúng sẽ chuyển sang màu đỏ rực
Những bụi cây Koicha trứ danh ở Công viên Hitachi vào mùa này đang có màu xanh. Đến tháng 10, chúng sẽ chuyển sang màu đỏ rực

Ấn tượng về tinh thần Nhật Bản

Ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai đến Nhật chắc hẳn sẽ cảm nhận được, đó là đâu đâu cũng vô cùng sạch sẽ. Tất cả các con phố, vỉa hè, khu vực công cộng cho tới trong nhà, đều sạch bong không một cọng rác và thậm chí không có cả bụi. Nhưng hầu như bạn không thể tìm thấy thùng rác nào, trừ ở trong nhà riêng hoặc phòng khách sạn. Lý do là bởi nước Nhật đã xây dựng được tác phong cho mọi người dân, đi bất cứ đâu có phát sinh rác thì mang theo bên người rồi về nhà phân loại ra để công ty vệ sinh thu gom, chứ không vứt ở ngoài.

Ấn tượng thứ hai là nhà vệ sinh ở đâu cũng rất sạch. Người Nhật quan niệm, mỗi nơi chốn, mỗi đồ vật đều có thần trong đó. Nhà vệ sinh cũng có thần, mà vị thần này ảnh hưởng tới sự thành công trong sự nghiệp, cuộc sống của gia chủ, nên nếu để nhà vệ sinh bẩn thì người chủ cũng sẽ thất bại. Vì vậy mà họ luôn luôn ý thức giữ gìn nhà vệ sinh thật sạch.

Thần Đạo có ảnh hưởng quan trọng tới văn hóa, thói quen sinh hoạt của người Nhật. Viếng thăm những ngôi đền Thần Đạo sẽ cho ta cảm nhận rõ hơn nữa về điều này. Nước Nhật có rất nhiều ngôi đền đẹp và danh tiếng, một trong số đó là Đền Oarai Isosaki-jinja ở Ibaraki. Điểm độc đáo nhất của ngôi đền này là ngoài cổng đền thông thường, còn có thêm một cổng thần đạo Kamiiso-no-torii đặt trên bãi đá tít ngoài biển. Khung cảnh tuyệt diệu khi mặt trời mọc hàng sáng trước cổng thần đạo này đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng.

Mặt trời mọc trước cổng Đền Oarai Isosaki-jinja
Mặt trời mọc trước cổng Đền Oarai Isosaki-jinja

Thần Đạo còn tác động lên thói quen ăn uống của người Nhật, hình thành nên văn hóa ẩm thực rất tinh tế, đẹp mắt. Chính vì người Nhật quan niệm mỗi đồ vật đều có thần trong đó nên họ dùng mỗi cái bát, cái đĩa nhỏ để đựng những món ăn khác nhau. Bát cơm đựng cơm, bát canh đựng canh… chứ không để sai, cũng không trộn lẫn vào nhau. Trong suốt những ngày du ngoạn Ibaraki, mỗi bữa ăn của chúng tôi tại một nhà hàng khác nhau lại là một trải nghiệm ẩm thực thú vị, với những món ăn tinh tế, được trình bày vô cùng bắt mắt và đậm chất nghệ thuật.

Bữa ăn tại nhà hàng Shizukaan, một nhà hàng nổi tiếng với đặc sản là những món ăn tinh tế đầy màu sắc với nguyên liệu chính là đậu phụ
Bữa ăn tại nhà hàng Shizukaan, một nhà hàng nổi tiếng với đặc sản là những món ăn tinh tế đầy màu sắc với nguyên liệu chính là đậu phụ

Một điều quan trọng đọng lại sau cả chuyến đi là sự hiếu khách, nồng ấm, chỉn chu, tận tụy và lịch sự của người Nhật, khiến chúng tôi thực sự xúc động. Đi đến mỗi khách sạn, nhà hàng, chúng tôi đều được người đại diện đứng chờ sẵn, đón tiếp nồng hậu. Khi chúng tôi rời đi, họ đứng tươi cười vẫy chào, cúi gập người tạm biệt cho tới tận khi xe đi khuất. Một kỷ niệm khó quên là chuyến bay từ Ibaraki về Hà Nội bị chậm 2 tiếng rưỡi, chúng tôi phải ngồi đợi ở phòng cách ly trong sân bay suốt thời gian đó. Nhưng đến khi ra khỏi phòng chờ để lên máy bay, nhìn ra phía sân tiễn, chúng tôi vẫn thấy chị Tomoko Kiuchi, nhân viên Sở Du lịch, người đã đi cùng và chăm sóc chúng tôi suốt chuyến đi, vẫn đứng ở đó và tươi cười vẫy chào. Sự nhiệt thành, tận tụy với công việc cũng như với khách hàng, đối tác của chị khiến chúng tôi cảm kích vô hạn.

Chuyến khám phá Ibaraki như một điểm đến mới, tuy ngắn ngày nhưng để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng và cảm xúc, mà khuôn khổ một bài viết không thể chuyển tải hết được. Thông qua báo chí, chính quyền và những người dân hồn hậu của Ibaraki muốn nhắn nhủ, họ rất mong được đón tiếp thêm thật nhiều người bạn Việt Nam tới thăm để trực tiếp cảm nhận vẻ đẹp của đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, như cầu thủ Nguyễn Công Phượng đang làm với tư cách cầu thủ của đội Mito Hollyhock, một thành phố thuộc Ibaraki.

Tuấn Anh