Đến Hội An, khám phá phố cổ bằng xích lô

(Dân trí) - Được thành lập từ năm 2000, Nghiệp đoàn xích lô văn hóa Hội An không những là người phục vụ du khách mà còn là những người góp phần giữ gìn văn hóa phố Hội.

Những “đại sứ” du lịch của Hội An

Sở dĩ người đạp xích lô được yêu mến gọi là “đại sứ” du lịch của Hội An, bởi chính họ là người góp phần giữ gìn văn hóa phố Hội và cũng là người đồng hành, làm cầu nối cho du khách đến với Hội An.


Khách vui vẻ, hào hứng thử đạp xích lô

Khách vui vẻ, hào hứng thử đạp xích lô

Khách đến phố cổ, người tiếp xúc đầu tiên với họ chính là những tài xế xích lô. Chính sự thân thiện, gần gũi, hòa nhã trong giao tiếp và đặc biệt bản tính trung thực của người đạp xích lô Hội An là điểm nhấn đầu tiên gây thiện cảm với du khách.

Từ khi thành phố thực hiện chủ trương phố cổ không có tiếng động cơ xe máy vào những thời gian nhất định, xích lô đã trở thành phương tiện chủ yếu để đưa đón du khách. Đặc biệt vào các dịp lễ lớn của Hội An, nghiệp đoàn xích lô đã cùng tham gia vào nhiều hoạt động một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Gắn bó với nghề xích lô hơn 19 năm nay, ông Nguyễn Tư (Nghiệp đoàn xích lô Hội An) đã thông thuộc hầu hết các tuyến đường của phố Hội. Với ông nghề đạp xích lô vừa là phương tiện mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày, vừa góp phần quảng bá văn hóa, con người Hội An nồng hậu, mến khách đến với bạn bè năm châu.

Màu xanh đồng phục của tài xế là màu xanh hy vọng, thể hiện Hội An xanh, sạch, đẹp và an toàn
Màu xanh đồng phục của tài xế là màu xanh hy vọng, thể hiện Hội An xanh, sạch, đẹp và an toàn

Ông chia sẻ, ông nội ông cũng là người đạp xích lô từ thời Pháp. Đến năm 1969, cha ông là Nguyễn Phán tiếp tục kế thừa nghề đạp xích lô mưu sinh. Ông là đời thứ 3 kế tục nghề truyền thống gia đình và năm 2011, con ông Tư đã là thế hệ thứ 4 kế cận cha mình.

Ông cho biết: “Nghề này tuy vất vả, cực nhọc nhưng được cái vui, mỗi ngày được tiếp xúc với du khách, đồng hành cùng họ trên khắp nẻo đường để tìm hiểu về cuộc sống, con người Hội An. Nhìn thấy nụ cười hài lòng của khách sau mỗi chuyến đi tôi như quên hết mệt mỏi”.

Trong Nghiệp đoàn xích lô còn có nhiều gia đình có từ 2 đến 4 thế hệ truyền nối nhau. Nhiều người còn có vốn hiểu biết khá phong phú về phố Hội, là kho tư liệu sống cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá về đô thị cổ Hội An.

Mỗi tài xế phải hòa nhã, lịch sự, trung thực…
Mỗi tài xế phải hòa nhã, lịch sự, trung thực…

Trong quá trình lao động, dù công việc có phần nặng nhọc nhưng các thành viên nghiệp đoàn đều cẩn trọng, chỉn chu từ phương tiện, trang phục đến tác phong làm việc. Khi chở khách, với khả năng hiểu biết của mình, họ luôn sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn du khách về các thông tin địa lý, ý nghĩa các công trình kiến trúc và đời sống của người dân địa phương.

Ông Huỳnh Thành, một “lão làng” trong nghề đạp xích lô chia sẻ: “Trong văn hóa xích lô phố Hội thì lịch sự, thân thiện, trung thực là một trong những đức tính rất cần thiết. Giao tiếp với khách nhiều mình học được nhiều kinh nghiệm, có nhiều cái cần hiểu biết hơn, nhiều cái cần ý nhị hơn. Sự hài lòng của khách là niềm vui của anh em chúng tôi”.

Chị Lê Minh Thư (du khách đến từ TPHCM) chia sẻ: “Tôi thấy các chú đạp xích lô Hội An rất thân thiện, nhiệt tình và lịch sự. Nhiều lần bạn bè tôi đi du lịch ở Hội An bỏ quên đồ trên xích lô, dù chỉ là vật kỷ niệm rẻ tiền nhưng họ luôn đem trả tận tình. Xích lô luôn là lựa chọn hàng đầu của tôi và bạn bè khi đến Hội An”.

Xây dựng thương hiệu xích lô văn hóa của phố Hội

Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Nghiệp đoàn xích lô Hội An thành lập từ năm 2000 do Liên đoàn Lao động phối hợp Phòng quản lý đô thị TP Hội An quản lý.

Nghiệp đoàn được thành lập trên cơ sở Đội xích lô Hội An với 50 người lái, đến nay đã quy tụ được 102 người với 102 chiếc xích lô có gắn biển số xe. Lý giải về điều này, ông Phan Phước Tùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An - cho biết: “Việc gắn biển số xe vừa dễ quản lý an em làm việc theo phiên, vừa tạo điều kiện cho du khách đi theo tour, tránh tình trạng khách thất lạc đồ đạc. Hoạt động của người lái ở đây được chia thành 4 tổ với 5 bến đậu đỗ chính và các bến phụ trong khu phố cổ từ 6h sáng đến 17h, buổi tối thường đến 22h. Mỗi tổ cử một người trực tiếp quản lý, điều hành các thành viên trong tổ.

Họ là những “đại sứ” du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Hội An đến với du khách
Họ là những “đại sứ” du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Hội An đến với du khách

Với các quy chế hoạt động rõ ràng, trách nhiệm cụ thể như người lái phải mặc đồng phục khi hành nghề, làm việc theo phiên, theo chuyến, không giành giật, chèo kéo khách, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia… khi hành nghề. Nếu vi phạm sẽ bị phạt “treo phiên” không cho hoạt động từ 3-10 ngày. Nhưng điều đáng nói là nhiều năm qua anh em trong Nghiệp đoàn rất ít trường hợp vi phạm nội quy. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong long du khách khi đến Hội An”.

Hầu hết người đạp xích lô đều sử dụng thông thạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, Pháp. Ngoài công việc chính là đạp xích lô, họ còn là lực lượng xung kích,làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong khu phố cổ, tham gia bắt trộm cướp. Khi di chuyển tất cả đều phải đi hàng dọc, 5 xe cách nhau một khoảng để đảm bảo an toàn, trật tự đường phố.

Xây dựng thương hiệu cho Nghiệp đoàn cũng là việc hình thành ý thức văn hóa và cách ứng xử với di sản văn hóa của từng cá nhân trong Nghiệp đoàn. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng hằng tháng anh em trong Nghiệp đoàn vẫn tham gia thường xuyên các hoạt động xã hội, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học.

Gần 15 năm đạp xích lô, ông Tùng cho biết những người đạp xích lô đã có nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp. Mỗi chiếc xích lô đều có số xe, số áo nên khi khách lên xe đều nhớ, mỗi tuần 3-4 lần khách báo về tư trang để quên, anh em đều tận lực liên hệ, tìm kiếm trả lại cho khách. Giá đi xe cũng được quy định rõ ràng, không báo cao hơn hoặc hét giá, làm giá với khách, nếu khách đưa dư phải trả lại không tham của người.

“Những đồ vật của khách quên như vật kỷ niệm, hay laptop, máy ảnh… chúng tôi đều cố gắng liên hệ bằng được để trả lại cho du khách. Đây cũng chính là điều đặc trưng trong xây dựng xích lô văn hóa Hội An, mỗi người đều phải trung thực, nghiêm túc với công việc mình làm. Khách rất vui và phấn khởi, hết lời cảm ơn”.

Ông Tùng kể, một trường hợp khách người Pháp phản ánh với khách sạn khi con của họ ra khỏi một xích lô thì bị trầy chân. Khách sạn liên hệ ngay cho Nghiệp đoàn, ông đã đại diện mang một chai champagne cùng bó hoa đến khách sạn xin lỗi khách. Nhận thấy sự tận tâm, thành khẩn của Nghiệp đoàn nên họ sẵn lòng bỏ qua và xin Nghiệp đoàn đừng trách phạt anh tài xế kia vì người biết lỗi mà hối lỗi thì nên bỏ qua.

Hiện nay, Ban chấp hành và cán bộ của Nghiệp đoàn xích lô Hội An đang tiếp tục giữ vững nền nếp sinh hoạt, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc hấp hành quy chế, quy ước của đoàn viên, từ đó xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh hướng đến nghiệp đoàn xích lô văn hóa của thành phố.

N.Linh-C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm