Đảo rồng gây tranh cãi “chỉ đón khách giàu, không hoan nghênh khách nghèo”

(Dân trí) - Đảo rồng Komodo tiếp tục là tâm điểm gây tranh cãi sau tuyên bố mới nhất của Thống đốc tỉnh khi "chỉ đón khách giàu có, không hoan nghênh khách nghèo".

Khám phá loài rồng trên đảo Komodo

Các phương tiện truyền thông tại Indonesia hôm 15/11 đồng loạt đăng tải thông tin liên quan tới tuyên bố mới nhất của Thống đốc tỉnh Đông Nusa Tenggara - quê hương của loài rồng Komodo nổi tiếng.

Theo vị Thống đốc này, du khách nghèo sẽ không được chào đón tại đây, bởi đảo Komodo sẽ được biến thành điểm du lịch cao cấp chỉ dành cho khách hàng giàu có.

Đảo rồng gây tranh cãi “chỉ đón khách giàu, không hoan nghênh khách nghèo” - 1
Chính quyền địa phương lên kế hoạch thu phí lớn với du khách tới thăm đảo rồng, đồng thời biến nơi này thành điểm du lịch cao cấp

Thống đốc Victor Laiskodat cho biết, tỉnh của ông nằm trong danh sách "Điểm đến tốt nhất năm 2020" do Lonely Planet bình chọn. Bởi vậy, cần phải biến nơi này thành nơi cao cấp.

"Khách du lịch tới đây phải giàu có. Những người nghèo có thể không nên tới... Chúng tôi có nhiều dân nghèo ở đảo rồi, bởi vậy không cần đón thêm nữa", ông Laiskodat nói.

Đảo rồng gây tranh cãi “chỉ đón khách giàu, không hoan nghênh khách nghèo” - 2
Đảo rồng Komodo là điểm du lịch hấp dẫn ở Indonesia

Được biết, Đông Nusa Tenggara là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Indonesia. Nguồn thu nhập chính của người dân trên đảo rồng phụ thuộc vào du lịch.

Thống đốc Laiskodat cũng đề xuất bản kế hoạch liên quan tới việc du khách muốn tới thăm đảo Komodo sẽ phải trả khoản phí khá lớn. Hiện tại, vé vào cửa cho một khách là 150.000 rupiah (khoảng 11 USD).

Các quan chức địa phương cho biết, nếu không muốn trả phí vào đảo rồng, du khách có thể tới thăm đảo Rinca ở gần đó - nơi những con rồng Komodo kích thước nhỏ hơn đang sinh sống.

Đảo rồng gây tranh cãi “chỉ đón khách giàu, không hoan nghênh khách nghèo” - 3

Trước đó, chính quyền nước này từng gây tranh cãi với kế hoạch đóng cửa đảo rồng Komodo vào năm 2020 vì số lượng động vật quý hiếm này đang bị đe dọa nghiêm trọng và nỗ lực bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ ngay sau đó bởi vấp phải sự phản đối từ các nhà môi trường lẫn ngành du lịch.

Năm 2018, hơn 176.000 du khách tới thăm vườn quốc gia Komodo, trong đó, nhiều người chỉ có mục đích tới xem những con rồng, vốn chỉ sinh sống trong tự nhiên ở miền đông Indonesia.

Theo tài liệu từ chính phủ nước sở tại, 1727 con rồng Komodo đang sống trên hòn đảo cùng tên. Trong khi đó, tại Rinca, một đảo khác trong vườn quốc gia là nơi sinh sống của 1049 con rồng khác.

Xem cách rồng Komodo săn hươu thế nào?

Rồng Komodo vốn là loài thằn lằn lớn, có chiều dài tối đa 3m, trong vài trường hợp hiếm gặp, và nặng khoảng 70kg. Loài động vật này có hai tuyến nọc độc dưới hàm tiết ra nhiều loại protein độc. Chúng ăn uống chủ yếu là hươu nai và xác thối. Đôi khi có những trường hợp rồng Komodo tấn công con người.

Đảo rồng gây tranh cãi “chỉ đón khách giàu, không hoan nghênh khách nghèo” - 4

Năm 2017, một du khách người Singapore suýt bỏ mạng sau khi bị một con rồng Komodo tấn công bất ngờ từ phía sau. Do chủ quan và muốn tiết kiệm chi phí, vị khách này đã đi khám phá một mình.

Vườn quốc gia Komodo từng được National Geographic liệt kê là một trong 10 điểm đến hàng đầu thế giới. Nơi này đón khoảng 10.000 lượt khách tới thăm mỗi tháng. Hiện rồng Komodo được bảo vệ theo pháp luật Indonesia và vườn quốc gia Komodo.

Hoàng Hà

Theo STimes/ News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm