Đào đường phát hiện xác ướp 700 năm tuổi được mệnh danh "mỹ nhân Trung Hoa"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Xác ướp cổ xưa với niên đại khoảng 700 năm tuổi vô tình được các công nhân làm đường ở Giang Tô, Trung Quốc, tìm thấy. Đến nay vẫn còn rất nhiều bí ẩn xung quanh xác ướp này chưa được giải thích.

Xác ướp bất ngờ lộ diện nhờ đào đường

Ancient-origins đưa tin, vào năm 2011, khi đang mở rộng một tuyến đường ở thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nhóm công nhân vô tình đào trúng một cỗ quan tài ở độ sâu khoảng 2m.

Khi đó, không ai động chạm vào hiện trường nữa. Họ đã liên hệ với các chuyên gia của bảo tàng Thái Châu tới xử lý. Mới tiếp cận, nhóm khảo cổ học đã khẳng định đây là một cỗ quan tài cổ. Nhưng khi họ mở ra, nhiều thứ bên trong còn gây ngạc nhiên hơn.

Đào đường phát hiện xác ướp 700 năm tuổi được mệnh danh mỹ nhân Trung Hoa - 1
Xung quanh xác ướp là khối chất lỏng màu nâu (Ảnh: News).

Bọc lấy xác ướp là nhiều lớp khăn và lụa mịn. Xung quanh cỗ quan tài còn có lớp chất lỏng màu nâu bao phủ. Sau khi gỡ các lớp vải lụa ra, nhóm chuyên gia phát hiện thấy một thi thể người phụ nữ được bảo quản cẩn thận.

Bất ngờ hơn, xác ướp gần như còn nguyên vẹn với trang sức đeo trên người. Đặc biệt, phần lông mày và lông mi của người đã khuất vẫn chưa bị rụng. Ước tính, chiều cao của xác ướp khoảng 1,5m.

Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, các chuyên gia đã đặt tên là "xác ướp Thái Châu". Một số tờ báo địa phương khi đó còn gọi là "xác ướp mỹ nhân Trung Hoa".

Dựa theo các món đồ tạo tác, trang sức, quần áo vải lụa được tìm thấy, giới khảo cổ học tin rằng người phụ nữ sống vào thời nhà Minh (1368-1644). Điều này có nghĩa, xác ướp có niên đại khoảng 700 năm tuổi.

Trong các món trang sức được người phụ nữ sử dụng, nổi bật nhất là chiếc nhẫn màu xanh lá cây. Từ trang phục có thể nhận thấy, người đã khuất thuộc tầng lớp quý tộc thời đó.

Đào đường phát hiện xác ướp 700 năm tuổi được mệnh danh mỹ nhân Trung Hoa - 2
Xác ướp khi được phát hiện vẫn đeo nhẫn trên ngón tay (Ảnh: News).

Thi thể được bảo quản tốt cho tới thời điểm được phát hiện đã mang tới nhiều thông tin về cuộc sống, hệ thống phân cấp xã hội của triều đại nhà Minh.

Bên trong quan tài còn chứa xương, đồ gốm, văn tự cổ và một số di vật khác. Thời điểm đó, nhóm khảo cổ chưa thể xác định được chất lỏng màu nâu bí ẩn bên trong dùng để bảo quản thi thể hay đơn giản là nước ngầm được ngấm dần vào bên trong qua thời gian.

Đào đường phát hiện xác ướp 700 năm tuổi được mệnh danh mỹ nhân Trung Hoa - 3
Xác ướp được bọc bằng rất nhiều lớp vải lụa (Ảnh: Mail).

Nhiều vấn đề chưa được giải thích

Hơn một thập kỷ trôi qua, các nhà khảo cổ học Trung Quốc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu về "xác ướp Thái Châu", nhưng còn nhiều vấn đề chưa được giải thích.

Kể từ khi xác ướp được tìm thấy làm dấy lên mối quan tâm về việc làm thế nào thi thể vẫn còn nguyên vẹn từ thời nhà Minh đến tận bây giờ? Nghi thức liên quan tới quá trình ướp xác ra sao?

Ông Wang Weiyin, Giám đốc bảo tàng Thái Châu, nhận định, việc ướp xác thời đó đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Ở thời nhà Minh, các xác ướp thường được bọc bằng vải lụa và một ít bông.

Đào đường phát hiện xác ướp 700 năm tuổi được mệnh danh mỹ nhân Trung Hoa - 4
Đến nay, danh tính của xác ướp vẫn chưa được xác định do thiếu nhiều thông tin (Ảnh: National Geographic).

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, có thể xác ướp được bảo quản một cách tự nhiên do chôn cất trong môi trường thích hợp. Nếu nhiệt độ và mức oxy trong nước vừa phải, vi khuẩn không thể phát triển khiến quá trình phân hủy bị chậm lại, thậm chí "tạm ngừng".  

Suốt thời gian dài, các chuyên gia vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về hoàn cảnh dẫn tới việc bảo quản thi thể. Danh tính và địa vị xã hội của người phụ nữ thế nào cũng như nguyên nhân dẫn tới cái chết ra sao?

Thật không may, nơi xác ướp được tìm thấy nằm ở vị trí hẻo lánh, không có hài cốt nào khác đã gây khó khăn cho việc tìm kiếm câu trả lời.

Đến nay, xác ướp được bảo quản tại bảo tàng Thái Châu. Được biết, bảo tàng được mở cửa kể từ khi phát hiện thấy xác ướp đầu tiên thời nhà Minh vào tháng 5/1979. Sau hàng thập kỷ, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới biết cách giữ xác ướp nguyên vẹn sau khi khai quật.