“Đảo địa ngục” nơi từng lưu giữ “quá khứ đen tối”
(Dân trí) - Từng lưu giữ một “quá khứ đen tối” và bỏ hoang suốt 40 năm qua, nhưng đến nay đảo hoang đã trở thành điểm đến đặc biệt.
Đảo Hashima ở Nagasaki, Nhật Bản còn có tên khác là đảo Gunkanjima, trong tiếng Anh là “Đảo tàu chiến”. Đi tàu từ bến Nagasaki khoảng 50 phút từ phía tây nam, người ta sẽ thấy một “chiến hạm” nổi sừng sững giữa biển khơi. Đây chính là một hòn đảo nhân tạo.
Những đống đổ nát còn sót lại trên đảo hoang vẫn gợi lên sự u ám. Nơi này đã vắng bóng người suốt hàng chục năm qua và mang danh là “đảo địa ngục” từ những ký ức đau thương từng diễn ra tại đây.
Quay trở lại thời điểm của thế kỷ 19. Các mỏ than lớn được phát hiện dưới biển và một thị trấn được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông phục vụ cho thợ mỏ cùng gia đình của họ.
Thời điểm đó, hòn đảo là nơi sầm uất với 5267 cư dân sinh sống. Nơi đây có đầy đủ các công trình phục vụ cho cư dân, từ trường học, trạm xá, hàng quán cho tới cả quán bar. Thứ duy nhất thiếu trên đảo chính là nghĩa trang. Những người không may qua đời sẽ chôn cất tại các hầm lò đã khai thác hết, hoặc mai táng thẳng … xuống biển.
Thời kỳ đỉnh cao vào năm 1959, hòn đảo từng là nơi đông đúc chật chội nhất thế giới khi hơn 5000 con người phải chen chúc trong tòa nhà diện tích chật hẹp. Từng là biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa ở Nhật Bản, nhưng nơi này cũng là “điểm nóng” trong lịch sử, đặc biệt vào giai đoạn Thế chiến thứ 2.
Trong một bài viết, tờ Daily Mail từng mô tả Hashima là nơi những người lao động Trung Quốc, Triều Tiên được đưa tới, buộc phải làm việc trong các hầm mỏ khai thác đầy khí độc.
Trên đảo hiện vẫn còn lưu giữ những tàn tích cũ là các tòa nhà cũ kỹ xây bê tông, từng được phân thành các khu ổ chuột dành cho người lao động.
Tuy nhiên, vào những năm 1960 sau đó, khi dầu mỏ bắt đầu thay thế than, nhiều hầm mỏ ở Nhật đã đóng cửa. Và hòn đảo nhân tạo cũng chịu chung số phận. Năm 1974, đảo Hashima chính thức đóng cửa, kép lại những hoạt động của ngành công nghiệp khai thác than.
Thời gian trôi qua khiến hòn đảo dần rơi vào quên lãng. Tới năm 2001, đảo được hiến tặng cho thị trấn Takashima. Và đến năm 2005, hòn đảo chính thức thuộc về Nagasaki.
Bắt đầu từ đó, thành phố thực hiện chiến dịch quảng bá du lịch, đưa khách tới thăm đảo. Sau hàng chục năm bỏ hoang, hòn đảo chính thức đón khách vào năm 2009. Đến năm 2015, Hashiama vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Những vết tích đổ nát, không gian đậm màu u ám khiến đảo hoang rất hợp với bối cảnh của điện ảnh. Một số bộ phim bom tấn của Hollywood như Skyfall, Attack on Titan …đã chọn nơi này để ghi hình.
“Đảo địa ngục” của ngày xưa giờ đây đã trở thành điểm đến có tiếng, thu hút du khách nước ngoài tìm tới để khám phá, tìm hiểu những phế tích, câu chuyện xưa giàu giá trị lịch sử.
Hoàng Hà
Theo Great Big Story/ DM