Đại dịch Covid-19 “thổi bay” 55.000 tỷ đồng doanh thu dịch vụ lưu trú

Ngọc Tú

(Dân trí) - Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay ước tính đạt 369.000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, “thổi bay” hơn 55.000 tỷ đồng.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng mạnh từ đại dịch Covid-19, nên trong quý II/2020, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt 44.000 lượt, chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng gộp cả 3 quý, tổng lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,788 triệu lượt, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước, giảm tương đương 9 triệu lượt khách.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay ước tính đạt 369.000 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, “thổi bay” hơn 55.000 tỷ đồng.

Đại dịch Covid-19 “thổi bay” 55.000 tỷ đồng doanh thu dịch vụ lưu trú - 1

Một khách sạn rao bán giá 69 tỷ đồng ở Hà Nội. Ảnh: Toàn Vũ

Mức giảm mạnh ở những địa phương có thế mạnh về du lịch như: Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng,...

Trong khi đó, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng cũng giảm mạnh 56,3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 14.200 tỷ đồng.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như Khánh Hòa giảm 78,7%, TP.HCM giảm 73,7%, Quảng Nam giảm 70,6%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 68,5%, Đà Nẵng giảm 68,1%,…

Còn theo số liệu của Sở Du lịch các tỉnh, thành phố, trong 3 quý vừa qua, hàng nghìn khách sạn đã phải đóng cửa.

Riêng tại Hà Nội, tính tới hết tháng 8/2020, khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.

Đại dịch Covid-19 “thổi bay” 55.000 tỷ đồng doanh thu dịch vụ lưu trú - 2

Các cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đóng cửa ồ ạt do không có khách du lịch. Ảnh: Toàn Vũ

Công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, ước tính khối khách sạn 1-5 sao đạt 10.6%, giảm 53.4 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phân khúc khách sạn cao cấp bị tác động mạnh nhất.

Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, tình hình kinh doanh ảm đạm, doanh thu thua lỗ liên tục đã khiến cho nhiều "ông lớn" trong ngành khách sạn phải liên tục rao bán.

Đơn cử, một khách sạn có diện tích 320m2 trên phố Hàng Bông, gồm 12 tầng, 90 phòng rao bán 510 tỷ đồng; Khách sạn 200m2 với 8 tầng 33 phòng tại phố Hàng Dầu rao bán 210 tỷ đồng; Khách sạn trên phố Lương Ngọc Quyến rao bán 255 tỷ đồng với diện tích 280m2...

Đại dịch Covid-19 “thổi bay” 55.000 tỷ đồng doanh thu dịch vụ lưu trú - 3

Các khách sạn phố cổ Hà Nội được rao bán trên nhiều trang mua bán nhà đất. Ảnh chụp màn hình.

Dù thanh lý, rao bán khách sạn với giá rẻ song việc thu hồi vốn thời điểm này không dễ dàng bởi không tìm được khách mua do khó khăn chung của dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam: “Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn”.

Vị này cũng cho rằng, mặc dù dịch COVID-19 sẽ để lại nhiều thiệt hại và tác động sâu rộng đến thị trường, triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam sẽ vẫn khả quan trong dài hạn nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch.

Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.