Cụ bà xăm hình thủ công già nhất thế giới ở Philippines
(Dân trí) - Bà Whang Od Oggay năm nay đã 103 tuổi, là nghệ nhân xăm hình truyền thống lâu đời nhất ở Philippines và cũng là người xăm "mambabatok" cuối cùng.
Bà Whang Od Oggay là một nghệ nhân xăm mình nổi tiếng không chỉ ở Philippines mà còn khắp thế giới. Hằng ngày, hằng giờ, có hàng trăm khách du lịch tới từ nơi khác và phải lái xe thêm 15 tiếng về miền Bắc Manila tới ngôi làng trên núi Buscalan khuất sau những khu rừng và ruộng bậc thang để có được hình xăm từ một huyền thoại.
Trước đây không ai để ý tới nghề xăm truyền thống tại Philippines, bà Whang-od vẫn phải vật lộn với cuộc sống để lưu giữ lại những giá trị văn hóa cổ.
Sau khi tham gia vào loạt phim tài liệu của nhà nhân chủng học người Mỹ Lars Krutak vào năm 2009, ngay lập tức bà Whang-od trở thành tâm điểm, được săn lùng bởi khách du lịch khắp nơi.
Khách tới xăm cho biết: "Hình xăm từ cô Od vô cùng khác với những hình xăm hiện đại, nó như hình vẽ được sáng tạo từ thời cổ".
Những trăn trở với việc gìn giữ văn hóa, những gánh nặng tới từ chính những hình xăm trên người, bà Whang-od hiện giờ đang vô cùng nhẹ nhõm bởi đã được nhiều người biết đến hơn, truyền thống xăm mình cũng được giới trẻ Kalinga chú ý và mong muốn được theo học nhiều hơn.
Nói về lịch sử nghề xăm ở Philippines, bà Whang-od cho hay một thế kỷ trước, những hình xăm dành cho phụ nữ Kalinga xăm những hình vẽ lên da của mình như một cách làm đẹp và từng loại hình vẽ khác nhau đại diện cho địa vị khác nhau giữa những người phụ nữ.
Còn đàn ông Kalinga chỉ được vẽ hình xăm khi có những chiến tích vang dội trong nhiều dịp lễ hội đặc biệt là nghi lễ săn đầu người.
Trong những năm 1930, chính phủ quốc gia bắt đầu ngăn chặn truyền thống xăm mình và phụ nữ bắt đầu phải mặc quần áo che phần trên cơ thể của họ. Việc săn đầu người từ một hành động đại diện cho sự dũng cảm trở thành một tội ác.
Học sinh được yêu cầu đến trường trong trang phục áo dài để che hình xăm. Các nhà truyền giáo và giáo viên nói với Kalinga rằng hình xăm là vết tích của dân man rợ và điều này sẽ ngăn cản người dân tìm kiếm việc làm cũng như hòa nhập.
Bà Whang-od luôn trăn trở về việc lưu giữ truyền thống văn hóa này nhưng trở ngại chính là kỹ thuật xăm truyền thống này chỉ có thể được truyền lại cho những người có quan hệ huyết thống.
Người xưa tin rằng nếu không, các hình xăm sẽ bị "ô nhiễm". Mặc dù Whang Od không có con riêng, nhưng bà đã dạy cho các cháu của mình kỹ thuật xăm cổ, tiếp tục gìn giữ truyền thống này.
Bà Whang-od cho biết: "Những người bạn của tôi, những người có những hình xăm như tôi đều đã qua đời. Tôi là người duy nhất còn sống. Nhưng tôi không sợ rằng truyền thống sẽ mai một bởi vì tôi đang đào tạo những bậc thầy xăm tiếp theo".