Cơ hội "đổi đời" từ điện ảnh, du lịch Việt không thể ngồi yên

Tận dụng thế mạnh từ điện ảnh hay người nổi tiếng để bán những sản phẩm du lịch, đó là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng “chớp” được để quảng cáo cho ngành công nghiệp không khói này.

Cơ hội "đổi đời" từ điện ảnh, du lịch Việt không thể ngồi yên - 1

Dấu ấn “Bản tình ca mùa đông” tại đảo Nami

Từ hiệu ứng phim ảnh

Có một sự thật là ngay cả trong tâm chấn của dịch bệnh Mers giữa năm 2015 thì Hàn Quốc vẫn là một trong những địa điểm yêu thích nhất của tín đồ du lịch trên thế giới. Nếu chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc thì trong năm 2015 có khoảng 170.000 người Việt Nam đến với xứ sở Kim chi, tăng 20% so với năm 2014.

Ngày nay, khái niệm về du lịch Hàn Quốc không đơn thuần chỉ nằm trong việc ngắm cảnh hay mua sắm mà ngày càng có nhiều người biết đến và đến với xứ sở Kim chi thông qua các sản phẩm truyền hình, điện ảnh và âm nhạc. Đảo Jeju, hòn đảo xinh đẹp nằm ở phía Nam Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc xanh mượt mà còn được biết đến như địa điểm bấm máy cho nhiều bộ phim truyền hình cũng như các chương trình truyền hình thực tế ăn khách của Hàn Quốc.

Hiện nay, nếu đến làng dân tộc Seongup nằm trên đảo Jeju, du khách có thể tìm thấy dấu vết của bộ phim “Nàng Dae Chang Geum” đình đám hơn 10 năm trước. Tác phẩm không chỉ tạo nên một trào lưu cho phim cổ trang Hàn Quốc mà còn “gây sốt” ở hơn 90 quốc gia trên thế giới. Tận dụng sức hút từ bộ phim, người dân đảo đã “ăn nên làm ra” từ các sản phẩm thảo dược có xuất xứ từ thiên nhiên như quýt, nhân sâm, linh chi, cao ngựa…

Cơ hội "đổi đời" từ điện ảnh, du lịch Việt không thể ngồi yên - 2

Đây là địa điểm mà nàng “Dae Chang Geum” đã từng lui tới

Cũng là một trong những địa điểm nổi lên từ “hiệu ứng phim ảnh” tại Hàn Quốc phải kể đến hòn đảo Nami, nằm cách Thủ đô Seoul 60km. Đây là phim trường của bộ phim truyền hình lãng mạn “Bản tình ca mùa đông” nổi tiếng. Đến đây, du khách có thể chụp ảnh với con đường có hàng cây thẳng tắp, bức tượng đá hai nhân vật chính và sở hữu những sản phẩm lưu niệm được bày bán như tranh, ảnh, búp bê, đĩa, cốc, móc khóa… Thậm chí, hai ngôi sao là Bae Yong Joon và Choi Ji Woo cũng được khai thác triệt để trên những chai đồ uống… để quảng bá cho những sản phẩm này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là chính quyền Nami không “ngủ yên” trong hiệu ứng phim ảnh, mà họ đưa ra không ít sáng kiến nhằm tạo ấn tượng với khách du lịch khi đến với hòn đảo. Đến Nami, du khách sẽ được chào đón bằng hàng loạt những nhân vật đang mặc những trang phục truyền thống của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Singapore… được làm từ bọt biển. Lẽ dĩ nhiên, người Việt Nam cũng rất thích thú khi tìm ra nhân vật đội nón lá, mặc chiếc áo dài truyền thống duyên dáng.

Ngoài những “đại sứ” đặc biệt này, bên trong khu vực trung tâm của Nami, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tấm biển mang Quốc kỳ của từng quốc gia kèm dòng chữ “Chào mừng đến với Nami” bằng ngôn ngữ của quốc gia đó. Chắc những người làm du lịch ở đây đã đoán được rằng, cứ 10 du khách đến đây thì 9 người sẽ tìm bằng được tấm biển của nước mình để lưu lại một bức ảnh tại hòn đảo xinh đẹp này. Một cách “lấy lòng” du khách không thể khéo léo và thông minh hơn.

Tận dụng thế mạnh từ điện ảnh hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng để thu về nguồn lợi cho du lịch, đó là cách thức không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Bộ phim “The Lord of the Ring” (Chúa tể của những chiếc nhẫn) được khởi quay tại New Zealand từ năm 2001 đến 2003. Trên 150 địa điểm có thực ở New Zealand từ những ngọn đồi xanh tít tắp ở Matamata cho tến những ngọn núi phủ tuyết ở Queenstown… tất cả đều được thu trong ống kính máy quay.

Đáng chú ý, để phục vụ cho những bối cảnh quay người lùn, đoàn làm phim đã cho xây dựng ngôi làng Hobbiton trên một nông trại ở Matamata. Sau khi bộ phim đóng máy, toàn bộ 37 căn nhà bằng gỗ sồi bé xíu cho đến những thảm cỏ xanh mượt để tạo tác nên vẻ thần tiên cho ngôi làng đều được giữ nguyên để phục vụ du khách đến tham quan. Phí tham quan không hề rẻ (khoảng 90USD/người) nhưng đã đến với Matamata, chắc hẳn ai cũng vui vẻ chấp nhận móc hầu bao để được một lần lạc vào xứ sở cổ tích. Nói một cách đơn giản, “Chúa tể của những chiếc nhẫn” đã làm cho du lịch New Zealand tăng nguồn thu.

Cũng “bước ra” từ bộ môn nghệ thuật thứ bảy là phim trường Harry Potter nằm ở ngoại vi Thủ đô London, Anh. Nếu trước đây chẳng ai biết đến khu vực này thì sau khi xuất hiện trong loạt phim về cậu bé phù thủy, nơi đây bỗng dưng chật cứng khách tham quan. Đến đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những cổng trường Howarts, lâu đài, phố phù thủy, những vật dụng như đũa phép thuật, sách vở, chai lọ độc dược hay những bộ cánh phù thủy giống như những cô bé, cậu bé Harry, Ron, Hermione… đã hiện diện trong loạt phim ăn khách.

Đón bắt cơ hội

Không phải lần đầu tiên Việt Nam được lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim nổi tiếng, tuy nhiên phải đến khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” xuất hiện, ngành du lịch và cả truyền thông mới vào cuộc mạnh mẽ. Theo ông, Bùi Văn Mạnh - Phó Giám đốc Ban quản lý danh thắng Tràng An, nơi đang trở thành một điểm cực kỳ thu hút vì có sự hiện diện của đoàn làm phim King Kong thì trước đây Ninh Bình từng là bối cảnh quay 2 bộ phim nổi tiếng: “Đông Dương” và “Người Mỹ trầm lặng”.

Trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng”, người xem có thể thấy thấp thoáng hình ảnh vườn quốc gia Cúc Phương với những ngọn núi trùng điệp, xanh mướt. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, hầu như không ai biết đến danh thắng này vì chúng ta khá im ắng cũng như bị động trong việc đưa ra một kế hoạch quảng bá cũng như truyền thông xứng tầm. Phải đợi đến năm 2013, khi tỉnh Ninh Bình chi 250.000USD để thực hiện đoạn video quảng bá dài 30 giây trên sóng truyền hình CNN, Mỹ thì lượng khách du lịch đến Ninh Bình, biết đến danh thắng Tràng An mới thực sự tăng lên đáng kể.

Có thể coi việc đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đến Việt Nam là một cơ hội quý cho ngành du lịch nước ta trong việc chớp “thời cơ vàng” để tiếp thị hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Việc báo chí thế giới theo sát gót chân của những ngôi sao đình đám, cập nhật từng giờ từng phút diễn biến về đoàn làm phim chính là cơ hội để cái tên “Việt Nam”, “Quảng Bình”, “Ninh Bình”... xuất hiện dày hơn trên các công cụ tìm kiếm.

Một cách làm du lịch “tại chỗ” hiệu quả mà không tốn kém. Rõ ràng, cơ hội đã có, chỉ có điều là sau “sức nóng” đó chúng ta sẽ làm gì và quảng bá du lịch như thế nào. Không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng từ những thước phim lớn đến như nào, tuy nhiên nếu không thoát khỏi “vỏ ốc” để “đi tắt đón đầu” thì thời cơ vẫn chỉ là thời cơ và chúng ta sẽ tiếp tục bỏ lỡ những cơ hội quý báu để tiếp cận với bạn bè quốc tế.

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng:

Sẽ có dấu ấn King Kong trên các sản phẩm lưu niệm

“Khi bộ phim “Kong: Skull Ssland” chọn địa điểm và lấy bối cảnh để bấm máy ở khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đây chính là cơ hội “kim cương” để giới thiệu, quảng bá những cảnh đẹp của Quảng Bình nói chung và Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng đến với công chúng, nhất là du khách quốc tế.

Sau khi đoàn làm phim đến đây, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chuẩn bị một kế hoạch rất bài bản để quảng bá hình ảnh du lịch với những tour rất đặc biệt. Một số khu lưu trú, khách sạn homestay như Lake House, Phong Nha Farmstay… nơi các diễn viên của đoàn ở sẽ được khai thác như “nơi lưu trú của ngôi sao” và tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận hết sức nhạy bén để biến những lợi thế về du lịch thành tiền.

Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi diễn viên Brie Larson đã mặc chiếc áo phông kỷ niệm Phong Nha - Kẻ Bàng trên đường về Mỹ dự giải Oscar. Không chỉ những chiếc áo, chúng tôi sẽ nghiên cứu các chi tiết đắt giá, gây ấn tượng trong bộ phim để đưa vào những sản phẩm lưu niệm để bán cho du khách”.

Theo Mai Anh

ANTĐ