Cô gái Việt kể lại giây phút rợn người khi chứng kiến tục thiên táng của người Tạng
(Dân trí) - “Cõ lẽ trên đời này, thứ mùi tôi không bao giờ chịu nổi và thấy khủng khiếp nhất chính là mùi từ buổi lễ thiên táng ngày hôm ấy. Tôi đeo một cái khẩu trang, cuốn thêm ba vòng khăn dày mà vẫn không thở được. Cảm giác lúc đó thật chẳng muốn nhớ lại thêm lần nữa”…
Thanh Phương khá nổi tiếng trong giới phượt, cô đã đặt chân tới rất nhiều thành phố, địa danh nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Hiện tại, cô gái sinh năm 1993 đang sinh sống và làm việc ở Trung Quốc.
Mới đây, Phương vừa trở về từ chuyến đi tới Sắc Đạt (một huyện thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Những chia sẻ trên trang cá nhân của cô đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng đam mê du lịch. Bởi lẽ, Sắc Đạt là nơi có Học viện Phật giáo lớn nhất Thế giới và cũng là một địa phận thuộc “vùng cấm” của Trung Quốc, tuyệt đối không cho phép sự có mặt của người nước ngoài.
Cách đây 1 năm, chính phủ Trung Quốc tiến hành dỡ bỏ những căn nhà của sư thầy, ni cô xung quanh Học viện. Những nét đẹp mê hoặc mà Thanh Phương từng nhìn thấy qua phim ảnh sẽ chỉ còn lại trong quá khứ.
Thế rồi, niềm đam mê du lịch và máu liều nổi lên, cô quyết định đi cùng một nhóm bạn Trung Quốc và “trốn” vào Sắc Đạt. Cũng tại đây, Phương có cơ hội chứng kiến thiên táng - một tục lệ thiêng liêng và thần thánh trong văn hóa người Tạng.
Vì khá thông thạo tiếng Trung và có ngoại hình hao hao người bản địa, Phương nhanh chóng lọt qua các khâu kiểm tra. Từ đây, những trải nghiệm vừa thú vị, vừa mới lạ nhưng cũng đầy kinh hoàng thực sự được bắt đầu. Sắc Đạt nằm ở độ cao 4400m so với mực nước biển nên thiếu dưỡng khí và rất nhiều tia cực tím. Ở môi trường này lâu, ai không quen sẽ dễ đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
“Khi đến Sắc Đạt thì trời đã tối. Tôi cùng nhóm bạn gọi đồ ăn ở đó nhưng thực sự không thể nuốt trôi. Đĩa cơm rang mà có cảm giác như cơm chan dầu vậy. Đến ngay cả chỗ đi vệ sinh cũng cũ nát, lạc hậu, đơn thuần là hai tấm ván để đặt chân lên. Nhìn chung, mọi điều kiện đều vô cùng tồi tàn”, Phương nhớ lại
Tuy vậy, khi màn đêm bao phủ khắp không gian, cô gái trẻ lại được chứng kiến một cảnh tượng tuyệt vời. “Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bầu trời đầy sao tuyệt đẹp đến như thế. Phải có đến hàng vạn ngôi sao đang lấp lánh tỏa sáng tựa như dải ngân hà. Chưa hết, nhìn xuống dưới, đâu đâu cũng tràn ngập ánh điện lung linh, chẳng khác nào bầu trời thứ hai trên mặt đất. Lúc này, bao mệt mỏi, vất vả trước đó như tan biến hết.”
Sớm hôm sau, Phương lại tiếp tục khám phá Sắc Đạt ở một khía cạnh khác. Cô cho biết, dù được coi là nơi có Học viện Phật giáo lớn nhất Thế giới, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng cực khổ.
“Trước mắt tôi là một đống đổ nát. Một bên là hàng ngàn ngôi nhà cũ bằng gỗ, củi của sư thầy đang được phá bỏ, một bên là những ngôi nhà bằng gạch mới đang trong quá trình xây lên. Đâu đó có vài làn khói bốc lên từ đám cháy. Những con bò, con chó bên vệ đường thì xác xơ, gầy rộc vì đến cỏ cũng không có để ăn”.
Tầm xế trưa, tài xế đón nhóm bạn của Phương đi ra đài Thiên Táng, nằm cách Học viện khoảng 4-5km. Tục thiên táng diễn ra hàng ngày vào lúc 12 giờ trưa. Sau khi đưa xác vào, họ sẽ che lại bằng những mảnh vải đủ cao, tránh cho mọi người nhìn được mọi thứ diễn ra bên trong.
Phương chia sẻ, theo những thông tin mà cô tìm hiểu, chỉ có những người đức cao vọng trọng mới được làm thiên táng. Nếu người thường có tên trong danh sách thì đó chính là vinh dự của cuộc đời họ.
Người được làm thiên táng sẽ bị cởi hết quần áo, nằm cuộn người đầu chạm đầu gối giống như đứa trẻ lúc nằm trong bụng mẹ. Họ dùng tấm vải màu trắng để bọc lấy cái xác, đặt vào đó một dải ha đạt (tấm khăn trắng thường làm trong tang lễ của người Mông Cổ và người Tạng), với ý nghĩa người chết sẽ vào kiếp luân hồi mới trong trạng thái của một đứa trẻ mới được sinh ra.
Sau khi làm lễ tụng kinh siêu độ, lạt ma sẽ làm vài động tác để thu hút sự chú ý của lũ kền kền rồi bắt tay vào việc chia xác người chết ra thành nhiền phần. “Tầm 15 phút, công việc kết thúc, thầy táng sẽ ra hiệu cho lũ kền kền đang chầu chực trên sườn núi ùa vào xâu xé cái xác mới chặt. Chỉ 5 phút sau, mọi thứ đã được kền kền dọn sạch sẽ. Anh tài xế còn bảo, hôm đó có ít xác, chứ có những hôm chặt cả ngày cũng không hết”.
“Cõ lẽ trên đời này, thứ mùi tôi không bao giờ chịu nổi và thấy khủng khiếp nhất chính là mùi từ buổi lễ thiên táng ngày hôm ấy. Tôi đeo một cái khẩu trang, cuốn thêm ba vòng cái khăn dày mà vẫn không thở được. Cảm giác lúc đó tôi cũng chẳng muốn nhớ lại thêm lần nữa”, Phương rùng mình kể.
Trước khi đến, cả nhóm bạn đã được dặn dò kỹ lưỡng, không được chụp hay quay lại cảnh chặt xác và lễ táng mà chỉ được chụp kền kền. Đây là tục lệ rất linh thiêng, thần thánh đối với người dân Tạng nên họ cực kì kiêng.
Phật giáo Tây Tạng tin rằng, con người khi chết đi, linh hồn sẽ rời nhục thể để vào kiếp luân hồi mới. Nhục thể trở thành một thứ vỏ bọc vô dụng, đem thân xác nuôi kền kền cũng coi như là hành thiện cho đời lần cuối cùng.
Trên đường trở về, còn hai điểm tham quan nữa là tòa lâu đài gần điểm thiên táng - nơi chứa hàng nghìn đầu lâu người và Miếu Quan Âm, nhưng vì vẫn còn quá ám ảnh nên không ai trong nhóm của Phương dám đi. “Chúng tôi quyết định đến khu trại người Tạng luôn. Về phần tôi, cả quãng đường còn lại chỉ thấy đau đầu và buồn nôn vô cùng”, cô gái trẻ tâm sự.
Hoàng Ngọc
Ảnh: NVCC