Cô gái H'Mông xinh đẹp tự học ngoại ngữ, dẫn khách Tây trải nghiệm Sa Pa
(Dân trí) - Cô gái người H'Mông Lý Thị Sú (23 tuổi, Sa Pa, Lào Cai) gây ấn tượng với du khách bởi gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi cùng khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát.
Mặc bộ trang phục truyền thống, đeo một chiếc túi nhỏ đựng nước, khăn cho du khách, Sú có thể đi bộ 15-20km dẫn tour mà vẫn tràn đầy năng lượng.
Vừa đưa du khách trekking qua những cung đường đẹp nhất Sa Pa, Sú vừa chia sẻ về lịch sử ra đời, đặc trưng của bản Cát Cát, Ý Linh Hồ, thung lũng Mường Hoa, giới thiệu về trang phục, văn hóa của bà con dân tộc H'Mông...
Sú sinh ra và lớn lên ở Sử Pán - khu bản nằm cheo leo trên sườn núi đá Nà Trông, nhìn xuống thung lũng Mường Hoa, cách trung tâm thị xã Sa Pa chừng 15 km, xuôi về phía nam. Giống như nhiều đứa trẻ người Mông khác trong bản, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sú phải nghỉ học sớm, làm việc đỡ đần cha mẹ.
Cùng bạn bè ra trung tâm Sa Pa bán hàng, Sú bắt đầu làm quen với tiếng Anh. Từ những từ đơn lẻ đơn giản, cô bé H'Mông bắt đầu học các câu giao tiếp, chủ động làm quen với du khách quốc tế.
"Từ lúc nào không hay, mình có thể nghe và nói tiếng Anh với du khách, dễ dàng bán hàng hoặc hỗ trợ nếu họ cần. Từ năm 2013, mình bắt đầu làm hướng dẫn viên địa phương cho các đơn vị lữ hành hoặc các homestay, khu nghỉ dưỡng tại Sa Pa", Sú cho biết.
Hiện nay, Sú thường dẫn các tour đưa du khách trekking mùa lúa tại Sa Pa. Cung đường qua Ý Linh Hồ, Lao Chải, Tả Van được du khách ưa thích. Du khách sẽ đi bộ từ khu vực trung tâm thị trấn đến Cát Cát, Ý Linh Hồ, Lao Chải, Tả Van, men theo con đường nhỏ quanh co nằm giữa những ruộng lúa trĩu bông.
Sú cho biết, cung đường này khoảng 15-16km, di chuyển trong 5-6 tiếng. Tùy theo sức khỏe và mong muốn của du khách, Sú sẽ chọn cung đường phù hợp. Cô có thể đưa khách trải nghiệm lội suối, leo đồi, vào nhà dân xem nhuộm vải, thưởng thức ẩm thực địa phương...
"Mỗi tour trekking có mức giá khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Trung bình mỗi ngày, các hướng dẫn viên địa phương như mình có thể kiếm được 400.000 - 600.000 đồng, chưa tính tiền tip", Sú chia sẻ.
Những tháng cao điểm hè, Sú gần như đi tour nguyên tháng. Thu nhập những tháng này thường khá cao.
"Sú là cô gái rất nhanh nhẹn, thông minh, am hiểu văn hóa địa phương và rất chịu khó nâng cao kĩ năng. Du khách tại resort chúng tôi thường yêu thích những hướng dẫn viên địa phương như Sú.
Vì là người bản địa nên hầu như chỗ nào các bạn ấy cũng biết. Trên đường đi, trước bất kỳ câu hỏi nào của du khách, các bạn hướng dẫn viên địa phương đều ân cần giải thích, giới thiệu, đáp ứng sự tò mò trước những điều mới lạ của du khách", bà Thu Lưu - Giám đốc kinh doanh khu nghỉ dưỡng sinh thái tại Sa Pa cho biết.
Tại Sa Pa hiện nay, có rất nhiều bà con dân tộc học tiếng Anh để làm hướng dẫn viên, phục vụ khách du lịch. Đây cũng là cách để họ khéo léo quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Sa Pa tới du khách phương xa.
Anh Mercedes và chị Ivan, du khách Tây Ban Nha cho biết: "Sa Pa thực sự quá đẹp và có nhiều nét văn hóa truyền thống thú vị. Chúng tôi cảm thấy may mắn khi đã tìm được những hướng dẫn viên là người bản địa. Họ rất am hiểu địa hình, văn hóa ở đây, mang tới cho chúng tôi những thông tin ngoài sách báo, truyền thông".
Để trở thành hướng dẫn viên địa phương giỏi và chuyên nghiệp, ngoài việc tự trau dồi ngoại ngữ, kiến thức, tình yêu với mảnh đất Sa Pa, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, các hướng dẫn viên cũng cần phải trải qua các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn để được cấp thẻ hành nghề được tổ chức bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai và Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai theo định kỳ.
Công việc hướng dẫn viên du lịch mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều bà con người Mông, Dao tại Sa Pa, giúp xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tạo động lực để họ bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống địa phương. Mỗi hướng dẫn viên này chính là một đại sứ văn hóa của du lịch Sa Pa.