Chuyện “vang bóng một thời” của những cảnh quan nước bị lãng quên
(Dân trí) - Các địa điểm có tiếng sau khi bị bỏ hoang thường gây ra những linh cảm kỳ lạ, vì chúng như vẫn tiếp tục kể lại những câu chuyện gắn với lịch sử có phần huyền bí và cuốn hút...
Đặc biệt, các địa danh ngập nước xem ra càng bí ẩn hơn vì dù bị chôn vùi dưới đáy đại dương hoặc các hồ lớn, nhưng vẫn phô ra vẻ đẹp khá hoàn hảo bất chấp thời gian khiến những ai được chứng kiến đều rất kinh ngạc. Bởi thế các cảnh quan “bị lãng quên” càng có sức hút mạnh mẽ với những người ưa phiêu lưu, khám phá…
Dưới đây là 11 thành phố, toà nhà và các địa danh bị bỏ hoang ngập dưới nước được báo Daily Mail lựa chọn giới thiệu cùng lịch sử “vang bóng một thời” của chúng:
Fabbriche di Careggine là một làng thời Trung cổ ở Tuscany, Italia. Làng có niên đại từ thế kỷ 13, bị ngập kể từ năm 1947 khi xây dựng con đập trên sông Edron.
Tới nay làng chỉ “nổi lên” 4 lần mỗi khi hồ được rút nước để bảo trì. Lần mới nhất, theo dự đoán của Lonely Planet, sẽ có thể diễn ra vào năm 2021 khi hồ được rút nước để lộ ra các phế tích khá thú vị, được hy vọng góp phần thúc đẩy sự phục hồi ngành du lịch nơi đây sau đại dịch Covid-19.
Thành phố Shi Cheng (Sư Thành) kỳ vĩ có niên đại từ hơn 1.340 năm trước, vẫn được “bảo tồn” rất tốt dưới đáy sâu gần 40m nước của hồ Qiandao - hồ nước nhân tạo còn được gọi là “Hồ Thiên đảo” ở huyện Thuần An, tỉnh Chiết Giang. Hồ hình thành năm 1959 khi Trung Quốc xây dựng trạm thuỷ điện sông Tân An.
Nước đã giúp bảo vệ thành phố cổ khỏi sự xâm thực của môi trường, bảo tồn gần như hoàn hảo 265 vòm, 5 cổng thành cùng những hình chạm khắc trang trí có từ thời nhà Minh và nhà Thanh.
Làng cổ Vilarinho das Furnas có lịch sử 2.000 năm, thuộc Bồ Đào Nha. 300 người dân từng sống tại làng nhỏ này đã phải di dời khi nơi đây xây dựng đập nước năm 1967. Vào mùa hè khi mực nước nơi đây giảm xuống, vẫn có thể nhìn thấy một phần nhà cửa của làng cổ xinh đẹp xưa kia nổi lên.
Phòng giam đầu tiên của nhà tù Rummu ở Estonia được xây dựng từ năm 1949, nhưng bị bỏ hoang từ thời hậu Xô Viết rồi ngập trong nước ngầm từ đó. Tuy nhiên vẫn có thể nhìn thấy một phần toà nhà cũ trong hồ.
Nymphas Show Bar là câu lạc bộ thoát y dưới nước bị bỏ hoang. Sau đó, nhà sinh vật học biển kiêm nhiếp ảnh gia Gil Koplovitz tình cờ phát hiện ra nó trong một lần lặn ở ngoài khơi bờ biển Eilat của Israel. Nhưng ông cũng không biết rõ câu lạc bộ này đã chìm bao lâu dưới nước.
Báo Huffington Post năm 2013 dẫn lời Koplovitz nói có một cây cầu dài khoảng 70m dẫn tới câu lạc bộ này, tiếp đó khách đi xuống theo cầu thang nên không bị ướt. Minh chứng rõ ràng nhất cho tính chất của câu lạc bộ này là chiếc cột trình diễn vẫn nguyên vẹn, nhưng vì sao Nymphas Show Bar bị bỏ hoang thì cho tới nay vẫn là điều bí ẩn.
Một nhóm khảo cổ Pháp đã phát hiện ra 64 chiếc tàu thuỷ, 700 mỏ neo, những bức tượng cao gần 5m và nhiều đồng tiền xu bằng vàng ở ngoài khơi bờ biển Alexandria, gần thành phố cổ Herakleion của Ai Cập.
Các cổ vật có niên đại từ 2.300 năm trước này được phát hiện tại nơi từng là một thành phố cảng hùng mạnh, nhưng bị chìm xuống Địa Trung Hải sau một trận động đất từ hơn 1.000 năm trước.
Port Royal từng được mệnh danh là “thành phố ác độc nhất trên Trái Đất” từ 300 năm trước bởi nơi đây khét tiếng với nạn cướp biển, rượu chè và mại dâm.
Một trận động đất vào năm 1692 đã phá huỷ gần hết thành phố này. Những gì còn sót lại nằm sâu dưới 12m nước sau đó được coi là Di sản Quốc gia, thu hút nhiều du khách tới đây.
Tháp chuông nhô lên như đỉnh của tảng băng trôi là phần còn lại duy nhất của thị trấn Curon, Italia với 150 cư dân trước đây mà số phận gắn với câu chuyện xảy ra từ năm 1950.
Khi đó để xây dựng đập nước cho nhà máy thuỷ điện, hãng điện lực đã phải hợp nhất 2 hồ Resia và Curon. Chuông trong tháp Curon cũng được chuyển đi từ đó, nhưng một số người dân khẳng định họ vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông ngân vang mãi về sau…
Phần còn lại của thị trấn nhỏ Mediano trước đây là đỉnh tháp của nhà thờ có từ thế kỷ 16 nhô lên trên mặt nước, sau khi thung lũng này bị chìm trong nước vào năm 1974 để làm hồ chứa nước.
St. Lawrence Seaway được xây dựng để kết nối Great Lakes ở Bắc Mỹ và sông St. Lawrence của Canada với Đại Tây Dương. Để xây dựng hệ thống kênh đào, 6.500 cư dân từ 9 thị trấn và làng mạc nhỏ ở Ontario, Canada đã phải dời đi, nhường chỗ cho một hồ chứa nước nhân tạo.
Địa điểm cũ bị nhấn chìm vào ngày 1/7/1958, sau đó được biết đến nhiều hơn với tên gọi “những ngôi làng biến mất”.
Pavlopetri của Hy Lạp là thị trấn ngập nước lâu đời nhất thế giới, theo đánh giá của đại học Nottingham.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những cổ vật gốm có niên đại từ 5.000 năm trước (4.500-3.200 trước Công nguyên). Điều đó chỉ ra rằng thị trấn Pavlopetri của thời kỳ văn hoá Hy Lạp cổ đại Mycenaean này từng là một trung tâm định cư và thương mại hàng hải khá sôi động thời xa xưa…
Linh Lê
Theo Insider