Chuyện kể về ông Nguyễn Sự - người giữ vóc dáng Hội An

Thực ra không phải chỉ là tình cảm cá nhân mà tất thảy những người yêu Hội An, yêu di sản Quảng Nam khi nghe tin ông Nguyễn Sự viết đơn xin từ chức Bí thư Thành ủy Hội An đều thấy hụt hẫng.

Hơn 20 năm nay, từ khi đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho tới bây giờ, ông luôn cương quyết trong từng quyết định của mình. Có lẽ cũng vì sự quyết đoán này mà Hội An mới vẹn toàn, mới giữ được vẻ thanh bình, cổ kính, khiến cho du khách mỗi lần đặt chân đến đều vương vấn sông Hoài, phố Hội, chỉ mong có ngày trở lại.

 

1. Nghe tiếng ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, người kiến thiết nên diện mạo của phố cổ Hội An ngày hôm nay đã lâu, nhưng mãi đến năm 2013, khi Festival Di sản Quảng Nam tổ chức, tôi mới có dịp được gặp ông. Cuộc gọi đầu tiên của tôi không thấy ông nhấc máy, nhưng chừng 10 phút sau thì ông gọi lại. Khi biết tôi là phóng viên từ Hà Nội vào, muốn được phỏng vấn, ông vui vẻ nhận lời. Gặp Nguyễn Sự quả thật tôi hơi bất ngờ với vẻ bề ngoài giản dị của ông. Thực ra nom ông giống một lão nông hơn là một quan chức. Thấy tôi đến, ông đùa: “Lại bị nhà báo xẻ thịt rồi!”.

 

Trong câu chuyện giữa tôi và ông hôm đó, ông nói nhiều về hiện tại, quá khứ và cả tương lai của thành phố xinh xắn nằm kề bên sông Hoài nước hiền hòa. Dân Hội An không lạ với vị Bí thư Thành ủy thi thoảng ngồi vỉa hè ăn bánh mỳ, thong dong đạp xe khắp các con phố, rồi ghé vào dăm ba nhà dân hỏi han trò chuyện thân tình. Lại cũng có khi vào lúc chiều muộn, ông kê ghế ngoài vỉa hè ngồi nhìn du khách qua lại. Cứ ngồi như thế cho tới tối khuya. Ông kể rằng, hầu hết những ý tưởng bảo tồn, những quyết sách quan trọng đều nảy ra trong những lúc ông lặng lẽ đi dọc phố. Có lẽ, Nguyễn Sự không chỉ yêu mà mê đắm Hội An. Ông nhớ, ông thuộc từng mảng tường rêu, từng viên ngói xô, thậm chí nhà nào mới tỉa lại giàn hoa giấy ông cũng nhận ra ngay sự “khác lạ”.

 

Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự thong dong đạp xe khắp các con phố cổ
Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự thong dong đạp xe khắp các con phố cổ



2. Hội An ấn tượng với du khách đôi khi chỉ từ những điều nhỏ nhất. Còn nhớ dịp Festival Di sản Quảng Nam, lượng khách đổ về Hội An đông ngoài dự kiến. Tôi cũng lạc trong dòng người dạo phố cổ. Đêm ấy là đêm rằm. Hội An tắt đèn điện, chỉ còn đèn lồng và ánh nến lung linh, mùi hương trầm thoang thoảng làm cho phố cổ chìm trong một không gian lãng đãng và liêu trai. Dọc các con phố nhỏ, thi thoảng lại có một tấm biển đề “WC” cùng mũi tên chỉ thẳng vào nhà dân. Đương nhiên, vào nhà dân mà “nhờ” thì trăm thứ tiện. Tiện nhất là sạch sẽ, lại vui vì chủ nhà niềm nở. Tất cả hoàn toàn miễn phí.

 

Đem chuyện đó hỏi Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự, ông cười lớn và bảo, vì là dịp lễ lạt, khách đến Hội An đông. Dạo phố, rồi ăn uống đương nhiên nảy sinh nhu cầu “khó nói”, thành phố cũng dự định để nhà vệ sinh lưu động nhưng phải có người dọn dẹp liên tục, không thể để du khách bịt mũi rồi “ấn tượng ngược” với Hội An. Ấy thế là nảy ra ý tưởng, gửi cho các hộ gia đình trên phố một chút kinh phí, vừa để người dân có thêm thu nhập, vừa để khách thấy một Hội An mến khách hơn. Vẹn cả đôi đường.

 

3. Làm thế nào để có một Hội An ngày hôm nay, nghe ông kể thì thấy nhẹ nhàng, nhưng chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được nỗi vất vả gian truân. Đã có những lúc, đặt bút ký vào đơn xin sửa nhà của dân mà Nguyễn Sự phải trắng đêm trăn trở. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển thì ở đâu cũng vậy, cái chính là làm cách nào để hài hòa giữa giữ được di tích, với tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người dân. Không phải chủ trương nào đưa ra người dân đều đồng thuận. Thậm chí, còn nhận lại sự phản ứng quyết liệt. Và rồi chìa khóa thành công mà Thành ủy, UBND thành phố Hội An tìm được bắt nguồn từ việc chăm lo lợi ích cho người dân từ tinh thần đến vật chất. Nếu bảo tồn mà chỉ khư khư không cho xây dựng, rồi bán vé tham quan, không nghĩ tới lợi ích của một vạn dân, chưa kể người nhập cư thì chắc chắn không được như ngày hôm nay.

 

Và cũng vì “giải bài toán lợi ích cho dân”, người đứng đầu Hội An là Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự trực tiếp đối mặt với đủ mọi thị phi. Nào là lập lại trật tự an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ gia súc gia cầm - năm đó có người dọa đốt nhà ông. Nào là cấm vứt rác ra đường, cấm đốt vàng mã trên phố… Có năm đúng vào Giao thừa, ông một mình dạo phố cổ, bỗng có bọc lá bánh chưng ném ra ngay đầu xe. Ông dựng xe, vào chúc Tết chính nhà vừa vứt rác ra đường, rồi yêu cầu chủ nhà ra nhặt đống lá, đúng thời khắc Giao thừa thiêng liêng nhất trong năm. Xong việc thì ông cũng lo, nhà người ta buôn bán, làm như thế là giông cả năm. 9 tháng sau, ông quay trở lại, hỏi thăm gia cảnh. Chủ nhà phấn khởi không ngờ, cứ xoa tay, hết xin lỗi lại đến cảm ơn, rằng: “Nhờ ông Bí thư xông đất, mà nhà tôi năm nay buôn may bán đắt!”.

 

4. Tôi có hỏi Nguyễn Sự một câu, nếu đến một thành phố khác, liệu ông có thành công như Hội An. Ông cười rằng, người làm tốt chỗ này không hẳn làm tốt chỗ khác. Ở Hội An, Nguyễn Sự thành công nhưng nếu là nơi khác biết đâu lại trì trệ. Ông gìn giữ được một Hội An thanh bình còn là bởi ông yêu con người và những gì tồn tại trên mảnh đất này, ngược lại, họ cũng yêu ông. Nghe tin ông viết đơn xin nghỉ, tôi đã đọc rất kỹ những dòng tin về sự kiện này. Lý do mà ông đưa ra rất thẳng thắn. Ông bảo rằng, 21 năm từ cương vị Chủ tịch UBND thành phố cho tới Bí thư Thành ủy là quãng thời gian quá dài và quá lâu. Và dù thời gian cho ông kinh nghiệm cùng sự chín chắn thì ông cũng sẽ vấp phải những lối mòn, ngại đột phá và đổi mới. Ông còn nhấn mạnh rằng, ông còn ngồi đó như cây đa cây đề thì anh em sẽ không dám nói ra những ý tưởng mới. Thêm nữa họ còn dựa dẫm và ỷ lại vào ông.

 

Viết đơn xin về hưu, ông bảo, ông kỳ vọng lãnh đạo mới sẽ có những đột phá và hãy đặt mình vào vị trí người dân. Với Di sản Hội An thì chìa khóa để tiếp tục thành công chỉ cần cư xử đàng hoàng với thiên nhiên, nương tựa vào thiên nhiên, giữ được cốt cách Hội An, tuyệt đối tránh xô bồ là đủ. UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý với tâm nguyện xin từ chức của Nguyễn  Sự, nhưng Hội An không vắng Nguyễn Sự. Người dân và du khách sẽ vẫn gặp lại một Nguyễn Sự ăn vận giản dị, tóc xòa xuống trán, thong dong đạp xe trên khắp các ngõ phố, hoặc ở một quán cà phê đâu đó trên vỉa hè, Nguyễn Sự cứ ngồi lặng, ngắm nhìn du khách qua lại… Trên khuôn mặt ông khi đó có một thứ người ta gọi là Tình Yêu!

 

Theo Vân Quế

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm