Chuyến đi Hà Giang 5 ngày hết chưa đến 5 triệu đồng của 9X miền Tây
(Dân trí) - Nhiều người đến Hà Giang vào mùa lúa chín vàng để ngắm ruộng bậc thang. Tuy nhiên, đa số lại cho rằng, thời gian đẹp nhất để đến Hà Giang là vào khoảng tháng 10, 11, 12 khi hoa tam giác mạch nở rộ.
Mùa nào đi Hà Giang là đẹp nhất?
Từ lâu, cô gái Cần Thơ - Dương Thanh Hằng đã mê mẩn khung cảnh hùng vĩ của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Lướt mạng xã hội hay đọc báo, Hằng không thể rời mắt trước những cung đường xuyên mây trên đỉnh Mã Pì Lèng, những cánh đồng hoa rực rỡ hay vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Nho Quế.
Thanh Hằng đặt mục tiêu sẽ chinh phục mảnh đất này trước năm 30 tuổi. Vừa qua, ngay khi hay tin hoa tam giác mạch bắt đầu nở rộ, cô gái 27 tuổi gác lại công việc, lên đường vượt hơn 2.000km đến Hà Giang để tận hưởng cảnh sắc nơi đây.
Nhiều người đến Hà Giang vào mùa lúa chín vàng để ngắm ruộng bậc thang. Tuy nhiên, đa số du khách lại cho rằng, thời gian đẹp nhất để đến Hà Giang là vào khoảng tháng 10, tháng 11, tháng 12.
Khi ấy, trời ít mưa, se lạnh, thời tiết chiều lòng người. Du khách thuận lợi trong di chuyển và tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa trên đá hay đi đến các bản làng.
Lịch trình ở Hà Giang 5 ngày 4 đêm
Sau khi nghiên cứu kỹ lịch trình, Thanh Hằng cùng 3 người bạn đã dành 5 ngày 4 đêm để chinh phục Hà Giang.
Ngày 1: Cần Thơ - TPHCM - Hà Nội - TP. Hà Giang.
Ngày 2: TP. Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn.
Ngày 3: Đồng Văn - Mèo Vạc.
Ngày 4: Mèo Vạc - Yên Minh.
Ngày 5: Yên Minh - TP. Hà Giang - Hà Nội - TPHCM.
Vì đi cùng bạn bè ở TPHCM nên Thanh Hằng không bay thẳng từ Cần Thơ ra Hà Nội mà đi xe khách tới TPHCM rồi bay ra Thủ đô cùng bạn. Thanh Hằng đặt vé máy bay trước chuyến đi một tháng nên giá vé khá rẻ. Cô chỉ mất khoảng 2 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi.
Tới Hà Nội, Hằng đặt xe giường nằm (hai chiều) hết 550.000 đồng. Đến thành phố Hà Giang, cô cùng bạn bắt đầu hành trình chinh phục những cung đường trên cao nguyên đá bằng việc thuê một chiếc xe côn với giá 350.000 đồng/ngày.
"Xe số có mức giá rẻ hơn (180.000 đồng/ngày). Tuy nhiên, vì xe côn leo dốc tốt hơn nên tôi và bạn đã sử dụng loại xe này. Các địa điểm đẹp đều nằm ở xa trung tâm, nhiều đoạn cua tay áo, lên dốc ngoằn ngòeo khá khó đi.
Tôi may mắn có người bạn đi cùng chắc tay lái nên khá an tâm. Nếu không chắc tay lái, tôi nghĩ du khách nên lựa chọn xe đi theo các tour hoặc đi cá nhân thì khi tới từng điểm nên thuê người bản địa hỗ trợ", Hằng cho biết.
Những địa điểm đẹp nhất định phải ghé thăm khi đến Hà Giang
Ngày thứ hai, sau khi ăn sáng, Thanh Hằng di chuyển chặng Yên Minh - Đồng Văn. Trên đường đi, cô ghé các địa điểm checkin nổi tiếng như dốc Bắc Sum, Cổng trời Quản Bạ, Núi đôi cô tiên, Dốc thẩm mã, Dinh thự họ Vương và Trường quay phim Nhà của Pao.
Tại mỗi điểm dừng chân, Thanh Hằng thấy có rất đông khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Đặc biệt, có nhiều khách từ các tỉnh thành phương Nam như TPHCM, Vũng Tàu cũng vượt qua chặng đường hàng nghìn kilomet đến với Hà Giang.
"Tại đây còn có rất nhiều người dân bản địa dễ thương. Họ có các vườn hoa tam giác mạch để phục vụ du khách chụp hình. Chi phí vào mỗi điểm chụp hoa là 10.000 đồng. Du khách cũng có thể chụp hình lưu niệm cùng các em nhỏ người Mông hay sử dụng đạo cụ là các gùi hoa, vòng nguyệt quế để có những bức hình như ý", Thanh Hằng chia sẻ.
Buổi tối, Hằng chọn lưu trú tại thị trấn Đồng Văn. Dù đã đặt phòng qua một ứng dụng nhưng đến nơi cô gái không hiểu phòng bị hủy vì lý do gì. Sau đó, cô thuê phòng của một hộ dân để qua đêm. May mắn là các điểm lưu trú ở đây cũng khá nhiều nên Hằng không gặp rắc rối gì.
Tại thị trấn này, Thanh Hằng được dạo chơi phố cổ Đồng Văn. Nơi đây có các ngôi nhà mang đậm dấu ấn của dân tộc Hoa. Các mái nhà lợp ngói âm dương, xung quanh là núi đá bao bọc tạo nên cảnh tượng độc đáo và khó quên.
Ngày thứ ba, Thanh Hằng xuất phát từ Đồng Văn đi Mèo Vạc để tới các điểm Cột cờ Lũng Cú - Cây cô đơn - Mã Pì Lèng - sông Nho Quế.
Các địa điểm không nằm trên cùng một trục đường nên việc di chuyển tốn khá nhiều thời gian. 7h sáng, Thanh Hằng cùng bạn chạy xe tới Cột cờ Lũng Cú (thuộc xã Lũng Cú, Đồng Văn).
Đường đi không khó nhưng sương mù kèm mưa khiến tầm quan sát của cả hai bị hạn chế. Người bạn đi cùng đã cẩn trọng chạy xe với tốc độ chậm để đảm bảo an toàn.
Rất may khi lên tới Cột cờ Lũng Cú thì trời hết mưa. Sau khi mua vé tham quan giá 10.000 đồng/người, cả hai đi bộ qua nhiều bậc thang để lên đến cột cờ.
Khoảnh khắc đứng ở độ cao khoảng 1.470m, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng tung bay, Thanh Hằng có một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Cô chia sẻ: "Lúc này tôi càng thấy rõ Tổ quốc mình hùng vĩ rộng lớn biết bao nhiêu".
Rời Cột cờ Lũng Cú, Thanh Hằng di chuyển ngược về hướng sông Nho Quế. Trên đường đi, cô checkin với Cây cô đơn ven quốc lộ 4C.
Tiếp tục hành trình, cô dừng chân ở mình Mã Pì Lèng Panorama để ngắm toàn bộ sông Nho Quế thơ mộng bên dưới. Nếu du khách không dùng đồ uống mà chỉ có nhu cầu chụp ảnh thì mức phí vào đây là 30.000 đồng, nếu kèm đồ uống thì mức phí là 60.000 đồng.
Sau khi ngắm nhìn dòng sông, núi non từ đỉnh cao, Hằng di chuyển xuống bến thuyền để tới hẻm Tu Sản. Giá đi thuyền là 120.000 đồng/người. Với 45 phút ngồi trên thuyền, cô thoải mái ngắm cảnh, chụp ảnh, cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông.
"Hẻm Tu Sản rất đẹp, núi non sông nước hòa hợp với nhau tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời. Nếu tới đây vào hôm trời trong xanh, du khách sẽ tận hưởng được trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây", Hằng nhớ lại.
Kết thúc ngày thứ ba, Thanh Hằng nghỉ ở một homestay trong làng dân tộc Mông Pả Vi tại Mèo Vạc. Phòng giường đôi 600.000 đồng. Hằng đi cùng 3 người bạn nữa nên tính ra cô chỉ tốn 150.000 đồng tiền nghỉ đêm đó. Buổi tối, cả nhóm đi ăn cơm lam, nướng BBQ suất 120.000 đồng/người.
Ngày thứ tư, Thanh Hằng di chuyển ngược trở về. Từ Mèo Vạc, cô về Yên Minh. Trên đường về, Thanh Hằng vô cùng ấn tượng với những ruộng bậc thang trùng điệp ở xã Mậu Duệ (Yên Minh). Buổi tối, Hằng nghỉ chân ở một homestay thuộc xã Du Già.
Du Già là minh chứng cho câu nói vẻ đẹp không chỉ ở đích đến, vẻ đẹp nằm trên những cung đường.
Để đến Du Già có nhiều cung đường, ngã rẽ. Cô gái miền Tây nhớ lại: "Cung đường đến Du Già khá hiểm trở, thách thức bất cứ tay lái nào muốn khám phá vùng đất được mệnh danh là "bản tiên" giữa cao nguyên đá Hà Giang. Nhiều lúc tôi phải nín thở vượt qua những khúc cua.
Nơi này có view đồng ruộng và núi non rất đẹp. Giá cho mỗi người là 350.000 đồng bao gồm ăn tối và ăn sáng. Đồ ăn được làm theo phong cách địa phương rất ngon, uống kèm chút rượu ngô".
Ngày thứ năm, do dậy muộn nên Hằng bỏ lỡ điểm đến thác nước Thâm Luông - một địa điểm đẹp được nhiều du khách ghé thăm khi đến Yên Minh.
Để đảm bảo lịch trình, Thanh Hằng đành di chuyển theo Quốc lộ 34 về thẳng Hà Giang. 12h30, cô lên xe về lại Hà Nội, ra thẳng sân bay để bay về TPHCM. Sáng hôm sau, cô đã có mặt tại Cần Thơ.
Chi phí
Theo Thanh Hằng, tổng chi phí chuyến đi của cô khá rẻ, chưa tới 5 triệu đồng. Các khoản cụ thể bao gồm: Vé máy bay 2 triệu đồng; xăng xe máy, xe khách 1,2 triệu đồng; lưu trú 750.000 đồng; ăn uống, vé tham quan 500.000 đồng.
Kết thúc hành trình, cô gái trẻ cảm thấy vô cùng mãn nguyện với những trải nghiệm tại mảnh đất cực Bắc Tổ quốc.
Hằng cho hay: "Những cung đường chinh phục Hà Giang khá hiểm trở. Nhiều đoạn cua tay áo, cua chữ M, một bên là núi đá một bên là vực sâu… Tuy nhiên, khi dừng chân phóng tầm mắt ra xung quanh lại thấy yêu hơn đất nước, con người Việt Nam, yêu hơn chính bản thân mình vì đã bản lĩnh vượt qua nhiều chặng đường khó khăn".
Cũng theo Thanh Hằng, các địa điểm tham quan cách rất xa nhau nhưng không khó tìm. Điều quan trọng là cần nắm vững kỹ năng lái xe an toàn, nếu có thể thì nên đặt phòng trước vì Hà Giang đang vào mùa cao điểm du lịch.