Chuyến đi bão táp 60 nước, khách Việt mang về kho báu quý 100 triệu đồng
(Dân trí) - Những món mô hình được anh Phước Trường nâng niu như kho báu, bởi có món đồ để sở hữu được phải vượt qua chuyến đi không khác gì "bão táp".
Vốn có niềm đam mê mô hình nên anh Đoàn Phước Trường luôn tranh thủ những chuyến đi để sưu tầm.
Đó là những mô hình biểu tượng của 60 quốc gia và hơn 220 thành phố anh từng ghé qua. Chúng có thể là những tòa tháp, quảng trường, lâu đài hay đền chùa cầu cảng, gắn liền với biểu tượng văn hóa lịch sử, đại diện cho từng quốc gia.
Vì quá đam mê nên có thời điểm anh phải tranh thủ lúc mọi người ăn uống hay nghỉ ngơi để "tách đoàn", trốn ra ngoài mua sắm chớp nhoáng. Đôi lúc, anh tự một mình đi lúc chiều tối để lùng sục khắp các cửa hàng lưu niệm, mua bằng được mô hình ưng ý.
Một trong những món lưu niệm được anh nâng niu đến bây giờ là chiếc lá cây bồ đề linh thiêng Jaya Sri Maha Bodhi tại Sri Lanka. Sở dĩ chiếc lá có giá trị lịch sử bởi nó được chiết nhánh mang về tặng cho Ấn Độ.
"Tôi phải mất cả tiếng để thuyết phục vị đại sư trụ trì trao tặng chiếc lá duy nhất. Bởi vậy, món đồ này với tôi là vô giá", anh nói.
Không quản ngại công sức nhưng cũng có những món đồ mang giá trị thời sự khiến vị khách đến từ TPHCM rất vất vả mới nhận được.
"Tôi tới thủ đô Cairo, Ai Cập du lịch, chỉ sau nửa ngày xảy ra vụ đánh bom vào đoàn xe du lịch Việt Nam gây chấn động thế giới thời điểm cuối năm 2018.
Đoàn du khách được cảnh sát Ai Cập bảo vệ nên không ai được ra ngoài mua sắm thoải mái nữa. Không còn cách nào, tôi phải nhờ hướng dẫn viên địa phương mua giúp mô hình kim tự tháp, tượng Pharaoh và tượng nhân sư, để đánh dấu kỷ niệm đáng nhớ này", anh kể.
Với anh Trường, những món đồ lưu niệm phải thỏa mãn đủ 3 tiêu chí đẹp - độc - lạ, thậm chí "có một không hai". Biết sẽ tốn kém, nhưng vì đã là sở thích, anh chấp nhận tốn không ít tiền bạc và công sức.
Ngoài những món đồ tự mua, đôi khi anh phải nhờ bạn bè sống ở nước ngoài tìm giúp những mô hình thuộc phiên bản giới hạn, trả phí vận chuyển giá cao gửi về Việt Nam.
Đó là mô hình kim tự tháp lớn nhất thế giới Cholula ở Mexico, quần thể Angkor Wat tại Campuchia hay quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc), cho tới các bức tượng Moai tạc từ tro núi lửa cô đặc ở đảo Phục Sinh (Chile).
Để nói về tình yêu với các món mô hình, anh Trường tự nhận có thể gói gọn trong 3 từ "quá đam mê". Cũng vì mê quá nên năm 2019, khi từ biên giới Jordan chuẩn bị nhập cảnh vào Israel, còi báo động vang lên, vị khách Việt phải tìm nơi trú ẩn, nhưng vẫn không quên tranh thủ những ngày cuối cùng tại đây lùng sục mua bằng được mô hình yêu thích.
Để mang về Việt Nam an toàn, trước ngày khởi hành, anh Trường phải gói ghém bao bọc cẩn thận, sắp xếp các món nằm giữa lớp quần áo trong vali tránh bị gãy vỡ. Đôi khi, anh phải trả thêm phí vì quá trọng lượng hành lý. Nhưng mỗi món đồ về nhà thành công đều được chủ nhân trân trọng, nâng niu như vật báu.
Bên cạnh mô hình, anh Trường còn có thú vui sưu tầm các vật lưu niệm như khay đựng đồ, khăn choàng, móc khóa, đồng hồ, hay những linh vật có tính biểu tượng đặc trưng từng quốc gia.
Đến nay "kho báu" đã lên tới con số 300 chiếc. Chúng làm từ đủ mọi chất liệu, từ nhựa, đá, cao su, kim loại, cho tới vải hay giấy bồi. Do dễ bám bụi nên hàng tháng anh lại ngâm vào bồn để tẩy rửa sạch.
"Từ những năm ở tuổi 20 tôi đã có đam mê này. Dần dần, cứ mỗi chuyến đi tôi tích lũy từng chút một. Đến giờ, mỗi khi ngồi ngắm nghía từng món, thấy mọi kỷ niệm vui buồn ùa về trong ký ức", anh tâm sự.
Nếu quy đổi thành tiền, mỗi món vật lại có giá trị khác nhau với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng. Nhưng với anh Trường, chúng là vô giá không gì có thể đánh đổi.
Ảnh: Đoàn Phước Trường