Chuyện chưa kể về hãng hàng không chuyên phục vụ đại gia và giới siêu giàu
(Dân trí) - Mỗi chuyến bay của MGM Grand Air phục vụ không quá 33 hành khách, được 5 tiếp viên hàng không chăm sóc chu đáo với nhiều dịch vụ vượt trội.
Chủ nhân của hãng hàng không là một võ sĩ quyền Anh
Trước khi tìm hiểu về hãng hàng không MGM Grand Air và điều gì xảy ra với nó, trước tiên cần biết vị chủ nhân đã tạo ra hãng bay này.
Sinh ra trong một gia đình người Armenia nhập cư ở Fresno, California (Mỹ) vào tháng 6/1917, Kirk Kerkorian bỏ học từ sớm, làm việc lặt vặt giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Sau đó, anh trở thành võ sĩ quyền Anh hạng nhẹ đầy triển vọng và rồi lại bỏ giữa chừng để học lái máy bay.
Sau Thế chiến thứ 2, anh tận dụng những kiến thức về máy bay của mình để mua những chiếc máy bay quân sự dư thừa, tân trang lại rồi bán kiếm lời.
Năm 1947, Kerkorian đủ tiền để mua một dịch vụ thuê máy bay có tên Trans International Airlines chuyên chở những du khách có máu mê đỏ đen từ khắp nơi trên thế giới tới Las Vegas đánh bạc. Năm 1969, anh xây MGM Grand Casino - khách sạn lớn nhất toàn cầu thời điểm bấy giờ với quy mô 2.000 phòng.
Khi đã trở thành tỷ phú, có kinh nghiệm trong ngành hàng không, Kerkorian sẵn lòng bước vào dự án kinh doanh mới - thành lập hãng hàng không MGM Grand Air.
Mục tiêu của hãng bay này nhắm tới khách hàng là các đại gia, khách hàng siêu giàu, di chuyển qua lại giữa sân bay quốc tế Los Angeles (LAX) và sân bay quốc tế John F. Kennedy của New York (JFK). Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng phục vụ "những con bạc cao cấp" tới sòng bạc của vị tỷ phú ở Las Vegas.
Hãng hàng không phục vụ đại gia
Nhỏ bé nhưng sang trọng, MGM Grand Air được thành lập vào năm 1987, có 6 máy bay gồm 3 chiếc Boeing 727 và 3 chiếc Douglas DC-8.
Hãng thu hút nhóm hành khách là những người nổi tiếng và giới siêu giàu. Những khách hàng VIP không cần xếp hàng hay làm thủ tục lên máy bay, không cần chờ lấy hành lý. Toàn bộ quy trình sẽ có nhân viên phụ trách đi theo. Ngoài ra, hãng cũng cung cấp dịch vụ xe sang tới đón trả khách tận nơi.
Vào thời kỳ hoàng kim, MGM Grand Air được nhiều vị khách nổi tiếng lựa chọn để di chuyển giữa bờ biển phía tây và phía đông nước Mỹ. Những khách hàng quen thuộc có thể kể tới như Tom Cruise, Robert De Niro hay Julia Roberts.
Sở hữu lượng khách hàng hạng A, MGM Grand Air vẫn khai thác nhiều chuyến bay, trong đó có chuyến hành khách còn ít hơn thành viên phi hành đoàn.
Trong một video của công ty MGM, đại diện hãng bay khẳng định, mỗi chuyến bay sẽ chở không quá 33 hành khách với 5 tiếp viên hàng không phục vụ chu đáo.
Dịch vụ độc lạ
Về giá vé, chặng bay từ Los Angeles tới New York, hành khách sẽ trả từ 1.400 USD; từ Las Vegas và New York là 1.000 USD; từ Los Angeles và Las Vegas là 180 USD.
Thời điểm đó, MGM Grand Air cho biết, giá vé của họ không cao hơn quá nhiều so với giá vé hạng nhất của các hãng hàng không khác, nhưng dịch vụ vượt trội hơn nhiều.
Mỗi máy bay đều có ghế xoay với đường viền, phòng họp riêng, đồ ăn tươi ngon nóng hổi phục vụ trên đồ sứ cao cấp. Ngay cả nhà vệ sinh trên máy bay cũng được thiết kế sang trọng, hào nhoáng như bước ra từ chương trình truyền hình ăn khách "Phong cách sống của những người giàu có và nổi tiếng".
Ngoài ra, hãng bay cũng cung cấp cho hành khách dịch vụ gọi điện thoại từ không trung tới mặt đất - một tiện ích khác biệt so với nhiều hãng hàng không cùng thời.
Cái kết buồn được dự đoán trước
Theo truyền thông Mỹ, trên thực tế MGM Grand Air chưa từng kiếm được lợi nhuận. Vào cuối năm 1992, hãng bay bị đình chỉ dịch vụ theo lịch trình từ LAX-JFK và LAX-LAS do thua lỗ vì suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ.
Năm 1994, máy bay phản lực lên ngôi, trở thành lựa chọn yêu thích của giới siêu giàu, người nổi tiếng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, MGM Grand Air bán tài sản của mình cho một công ty nhỏ có tên "Front Page Tours".
Sau đó, nó được đổi tên thành Champion Air với đội bay chỉ tập trung vào những chiếc Boeing 727. Hãng bay chỉ tồn tại tới năm 2008 và đóng cửa hoàn toàn.