Chuyện chưa hề tiết lộ về ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất vùng Kinh Bắc

(Dân trí) - Chùa Bổ Đà không chỉ là ngôi chùa có nhiều tháp Phật nhất Việt Nam mà còn là ngôi chùa chứa đựng rất nhiều giá trị văn hoá hết sức quý giá.

Bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất thế giới

Cho đến nay, người dân vùng Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu ca: “Thứ nhất là chùa Đức La/Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng” để nói về tầm vóc, quy mô và sự độc đáo mà chùa Bổ Đà ở đất Kinh Bắc (nay thuộc xã Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang) đang lưu giữ.

Theo Thượng toạ Thích Tục Vinh, chùa Bổ Đà ra đời từ thế kỷ XI (thời Lý), được dựng ở phần diều của thế đất mang hình con phượng hoàng. Ngọn núi mà chùa toạ lạc cũng được người dân gọi là núi thiêng Phượng Hoàng.

Bo da.jpg

Toàn cảnh chùa Bổ Đà.

Chùa Bổ Đà là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc - Việt Nam đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại.

Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng: 7.784m2.

Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường đất... rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường.

Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Bo Da 7.jpg

Tượng thờ Tam Tổ Trúc Lâm tại chùa Bổ Đà. Ảnh: Tùng Long.

Thượng toạ Thích Tụ Vinh kể, Bổ Đà xưa là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thuộc thiền phái Lâm Tế. Nơi đây từng là trường học của hàng trăm tăng lữ, Phật tử từ nhiều địa phương ở miền Bắc.

Hiện tại, chùa vẫn lưu giữ khá nguyên vẹn gần 2000 mộc bản kinh Phật bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Phạn có từ thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Bộ mộc bản này đã được công nhận là bảo vật Quốc gia. Năm 2017, bộ mộc bản này cũng được Tổ chức Kỷ lục châu Á và Liên minh Kỷ lục thế giới công nhận là bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất thế giới.

Thượng toạ Thích Tục Vinh chia sẻ, gỗ thị vừa dễ khắc lại không cong vênh, không mối mọt… nên được các vị tổ sư tại chùa chọn để làm mộc bản nhằm truyền dạy Phật pháp cho các môn đồ.

Trên các mộc bản không chỉ có văn tự mà còn nhiều hình ảnh chạm khắc rất tinh xảo như hình khắc Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…

Bo Da 0.jpg
Bo Da 10.jpg

Cận cảnh kho mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: Tùng Long.

Những họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo, tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận. 

Các ván kinh hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ ở một gian nhà bên phải nhà thờ tổ. Đây là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ngoại trừ có sự đồng ý của sư trụ trì.

Vườn tháp chứa hơn 1000 nhục thân

Ngoài bộ mộc bản kinh Phật, chùa Bổ Đà cũng là nơi có cây đa và cây vối có tuổi đời 3000 năm tuổi (đã được công nhận là cây di sản) và vườn tháp Phật.

Bo da 5.jpg
Bo Da 2.jpg

Vườn tháp Phật chùa Bổ Đà. Ảnh: Tùng Long.

Vườn tháp nằm bên trái của chùa và được ngăn cách bởi một bức tường bằng đất khá dài, cổ kính. Đó là bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2.

Thượng toạ Thích Tục Vinh cho biết, hiện vườn tháp chùa Bổ Đà có gần 100 tháp, lưu giữ nhục thân của 1.214 Tăng, Ni thuộc thiền phái Lâm Tế. Tháp được xây từ 2 đến 3 tầng bằng gạch chỉ bản mỏng, vật liệu gắn kết là vôi, giấy bản và mật mía. Phần lớn được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII), Nguyễn (thế kỷ XIX).

“Ngày xưa, những tháp nào có chứa nhiều nhục thân của 3 vị trở lên gọi là tháp Phả đồng. Phả đồng nghĩa là cùng chung tiền để xây tháp.

Trong vườn tháp ở chùa Bổ Đà, có tháp có chứa 3 vị, có tháp 6 vị và có tháp chứa tới 26 vị. 26 vị này là anh em cùng sơn môn, cùng tu một thầy, khi sống gắn bó với nhau nên khi viên tịch vẫn muốn được nằm cạnh nhau.

Bo Da 8.jpg
Bo Da 4.jpg

Sư thầy Thích Tục Vinh bên cây vối và cây đa 300 tuổi đã được công nhận cây di sản. Ảnh: Tùng Long.

Có 3 tháp cổ nhất chính là nơi chứa nhục thân của 3 vị tổ khai sơn chùa. Tháp Tăng và tháp Ni có sự khác biệt. Nếu là tháp Tăng thì trên đỉnh tháp có bình cam lộ đặt trên toà sen, nếu là tháp Ni thì đỉnh được được gắn một búp sen...”, Thượng toạ Thích Tục Vinh chia sẻ.

Trải qua hằng trăm năm nhưng vườn Tháp chùa Bổ Đà vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn, mang giá trị kiến trúc nghệ thuật phật giáo đặc sắc. Năm 2016, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận Bổ Đà là ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam.

Chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu trên 40 pho tượng Phật trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như: bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, toà Cửu Long, tượng Tam Châu….

Ngoài ra còn có các pho tượng bài trí theo tín ngưỡng thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa như tượng Thạch Linh Thần Tướng, tượng Lão Tử, Khổng Tử, thể hiện rõ dấu ấn tam giáo đồng nguyên.

Đây là một trong những điểm khác biệt trong thờ tự của chùa Bổ Đà với các ngôi chùa khác trong cả nước. Hệ thống tượng Phật tạc chất liệu gỗ, sơn thếp đến nay còn nguyên vẹn, có giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hoá, tôn giáo.

Bo Da 6.jpg

Bức tường đất ngăn khu vườn tháp với nội tự chùa Bổ Đà. Ảnh: Tùng Long.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng - Phó Chủ tịch huyện Việt Yên thì năm 2009 kẻ gian đột nhập lất mất 6 pho tượng Phật; Đầu năm 2016 lại bị mất đi một chiếc chóe cổ và 4 lộc bình;

Năm 2017 chùa tiếp tục bị đánh cắp mất pho tượng Quan Âm Tống tử bằng gỗ có niên đại hơn 200 năm. Đối với kho mộc bản (bảo vật quốc gia) hiện nay hằng đêm, cơ quan công an đều cử người đến giúp nhà chùa canh giữ xong nhà chùa vẫn rất lo lắng đối với việc bảo vệ cổ vật ở đây.

“Trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm có từ 300 đến 500 nghìn người đến tham quan, chiêm bái và lễ Phật tại chùa Bổ Đà. Tuy nhiên, nếu giữ quy mô cổng chùa như ngày xưa sẽ không đáp ứng được việc tham quan của du khách – Phật tử, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự. Chính quyền, nhân dân huyện Việt Yên mong muốn sớm có giải pháp cho việc xây dựng cổng bảo vệ của chùa. Việc xây dựng sẽ tăng cường cho công tác an ninh và bảo vệ bởi trên thực tế đã xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật”, ông Nguyễn Đại Lượng nhấn mạnh.

Hà Tùng Long