Chuỗi nhà hàng bán đồ ăn Việt ở Anh trả giá đắt vì muốn độc quyền từ "Phở"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Chịu nhiều chỉ trích từ các nền tảng mạng xã hội và cả lời đe dọa tẩy chay của khách hàng, mới đây, chuỗi nhà hàng bán món ăn Việt do người Anh sáng lập phải đệ đơn xin bỏ từ "Phở" trong thương hiệu.

Người nước ngoài mở nhà hàng Việt ở Anh, đăng ký "Phở" trong thương hiệu

Mới đây, Pho Holdings, chuỗi nhà hàng đồ ăn Việt do hai ông bà Stephen và Jules Wall thành lập năm 2005, đệ đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ Anh, từ bỏ bản quyền từ "Phở" trong thương hiệu của mình sau hàng loạt những chỉ trích và cả lời đe dọa tẩy chay của khách hàng.

Được biết, sau chuyến du lịch tới Việt Nam, ông bà Stephen và Jules Wall quyết định mang món phở Việt về Anh. Họ thành lập chuỗi nhà hàng "Pho" dưới sự điều hành của công ty Pho Holdings.

Chuỗi nhà hàng bán đồ ăn Việt ở Anh trả giá đắt vì muốn độc quyền từ Phở - 1
Một bát phở phục vụ tại nhà hàng ở Anh (Ảnh: Getty).

Sau đó, họ đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu "Pho" và cho rằng sở hữu bản quyền nhãn hiệu giúp họ xây dựng danh tiếng của nhà hàng. Đến nay, chuỗi "Pho" đang sở hữu 45 nhà hàng trên khắp nước Anh.

Tuy nhiên điều này vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng người Việt cũng như các nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam tại Anh.

Sự phản đối gia tăng khi Yen, một người Việt hiện sống ở London, đăng tải video công khai chỉ trích Pho Holdings vì đòi độc quyền dùng từ "Phở" làm tên thương hiệu cho hàng chục nhà hàng ở Anh. Video thu hút hơn 2 triệu lượt xem.

"Là một người Việt Nam, mỗi lần đi ngang qua nhà hàng này tôi lại sôi máu. Nhà hàng này là người nước ngoài làm chủ nhưng lại đăng ký nhãn hiệu phở ở Anh. Phở là món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt Nam. Chuyện người nước ngoài đăng ký độc quyền món ăn của người Việt thật điên rồ", chị Yen đưa ra quan điểm.

Video của Yen thu hút lượng tương tác lớn, nhận được sự đồng cảm từ nhiều người dùng mạng xã hội. Phần lớn ý kiến cho rằng, món ăn phổ biến như phở không nên thuộc quyền sở hữu riêng của bất cứ cá nhân hay công ty nào.

"Việc người nước ngoài đăng ký nhãn hiệu phở trong thương hiệu là sự thiếu tôn trọng với văn hóa của Việt Nam", một tài khoản trên Tiktok lên tiếng.

Chuỗi nhà hàng bán đồ ăn Việt ở Anh trả giá đắt vì muốn độc quyền từ Phở - 2
Những món ăn Việt được phục vụ tại nhà hàng của Pho Holdings (Ảnh: Pho Holdings).

Cùng với đó, cộng đồng người Việt tại Anh đã phanh phui thêm một vụ việc khác xảy ra vào năm 2013. Đó là thời điểm Pho Holdings gây áp lực lên một nhà hàng Việt quy mô nhỏ với tên gọi "Mo Pho Viet Cafe".

Theo đó, đại diện của Pho Holdings gửi thông báo pháp lý tới nhà hàng này và yêu cầu cơ sở kinh doanh ngừng dùng từ "Phở" trong thương hiệu với lý do doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu này từ trước tại Anh.

Mo Pho Viet Cafe vốn là nhà hàng của người gốc Việt tại London, chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam bao gồm cả phở truyền thống.

Sau khi vụ việc gây lùm xùm thu hút sự chú ý từ công chúng và truyền thông, Pho Holdings mới rút lại yêu cầu.

"Phở không thuộc về bất kỳ ai ngoài người dân Việt Nam"

Trước làn sóng chỉ trích, ngày 16/10, đại diện của Pho Holdings khẳng định "luôn yêu mến văn hóa và ẩm thực Việt Nam, nhưng câu chuyện về thương hiệu đã bị hiểu nhầm".

"Chúng tôi xin khẳng định rằng không bao giờ cố gắng đăng ký độc quyền cho món phở trong thương hiệu của mình. Chúng ta luôn hiểu rằng, món phở không thuộc về bất kỳ ai ngoài người dân Việt Nam.

Hiểu được những lo ngại của người dùng nên chúng tôi đã nộp đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ ở Anh để từ bỏ việc độc quyền sử dụng từ phở trong thương hiệu", một phần nội dung của Pho Holdings chia sẻ.

Chuỗi nhà hàng bán đồ ăn Việt ở Anh trả giá đắt vì muốn độc quyền từ Phở - 3
Phở là niềm tự hào trong ẩm thực của người Việt Nam (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).

Cùng với đó, đại diện chuỗi nhà hàng cho biết, tại Anh hiện có hơn 50 cơ sở kinh doanh khác cũng sử dụng từ liên quan tới "phở". Việc Pho Holdings xuất hiện trên thị trường do chủ doanh nghiệp yêu mến món ăn này và muốn lan tỏa tới nhiều người cùng biết tới. 

Tuy nhiên lời giải thích này không khiến nhiều người dùng mạng xã hội hài lòng. Họ cho rằng đây là "lời xin lỗi thiếu chân thành" nên vẫn kêu gọi tẩy chay và tìm tới những quán phở chính thống khác ở Anh.