Chợ Sapa - một thời để nhớ

(Dân trí) - 18 giờ, ngày 17/12, các cơ quan chức năng của địa phương chính thức tiến hành việc ngừng hoạt động chợ Sa Pa cũ tại tổ 7B, phố Cầu Mây, thị trấn Sa Pa. Vậy là, du khách và người dân Sapa sẽ mất đi một thói quen đến chợ Cầu Mây.

Từ lâu lắm rồi du khách lên Sapa thì không thể không dành chút thời gian ghé thăm chợ huyện này. Phiên chợ thường được họp vào cuối tuần nhưng ngày nay với hầu hết các ngày trong tuần các bạn đều có thể thấy cảnh nhộn nhịp tấp nập của một phiên chợ vùng cao ở Sa Pa.
Chợ cũ sapa, nay sẽ không còn
Chợ cũ sapa, nay sẽ không còn
Chợ cũ sapa, nay sẽ không còn
 
Khi chiều xuống, trong khu vực chợ đã thấy chỗ này, chỗ kia túm tụm dăm bảy trai gái người H'Mông, người Dao đầu mày, cuối mắt nhìn nhau. Từ lâu, chợ Sa Pa là nơi hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc.

Những người ở đây kể lại. Ngày xưa chợ Sapa đông vui lắm. Chợ họp ngay ngoài trời trên một bãi đất rộng. Đàn ông cưỡi hoặc dắt ngựa, vai đeo súng kíp và ngang lưng buộc dao bọc trong hộp tre. Họ tìm chỗ buộc ngựa và không quên tháo bịch cỏ mang trên lưng ngựa xuống cho nó nhai, bởi vì phiên chợ còn dài lắm. Người ta thồ trên lưng nấm hương, mộc nhĩ, củi, gạo, ngô, khiêng tre vầu, lá tranh và cả các thân cây gỗ to ra chợ để đổi lấy thịt, muối, kim chỉ, vải vóc… Khi có sự xuất hiện của người Pháp, họ đã dựng một ngôi chợ gỗ rất to, mái bằng gỗ pơmu xẻ mỏng như kiểu mái nhà người H’Mông, trên chính mảnh đất của ngôi chợ bê tông ngày nay. Một góc trái của chợ là nơi buộc ngựa, còn ở chỗ rau bây giờ là các dãy máng cho ngựa ăn gọi là tràn ngựa. Xuống chút nữa là lối dẫn đến bản Cát Cát và dãy phố hoa kiều.

Đến năm 1995 thì chợ cũ bị phá đi và xây chợ mới bằng bêtông hai tầng khang trang như ngày nay. Mặc dù chợ mới xây kiên cố bề thế nhưng người dân lại thích đứng ngồi, đi lại tản mạn ra các hè phố chung quanh, ra sân nhà thờ mà buôn bán và trò chuyện. Vì thế chợ Sapa có nghĩa là cả một khu vực dài rộng, dọc theo các con đường khu vực phố cũ. Và thế là chợ Sapa hình thành, níu chân nhiều du khách với cái ấm áp tình người, để rồi ở Sapa, du khách sẽ thích thú với bao điều mới lạ của thiên nhiên và con người nơi này.

Cái thị trấn nhỏ bé này nằm lọt trong một vùng tiểu khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Có những năm mùa đông tuyết rơi nên thật lãng mạn, hấp dẫn du khách. Mỗi tuần, chợ họp một lần vào tối thứ Bảy. Ðây là chợ của người Dao. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy rất nhiềuphụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vaiáo. Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng reo theo mỗi bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu.

Chợ cũ sapa, nay sẽ không còn

Chợ cũ sapa, nay sẽ không còn
Sẽ có những cảm giác nuối tiếc, trống trải khi chợ cũ không còn tại thị trấn Sapa mà thay vào đó là khu chợ 2 tầng tường hoa loang loáng.

Ở một góc nọ, dăm bảy chàng trai cùng xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy cassette của mình vào gần cô gái để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Hình ảnh người con gái Dao bẽn lẽn, xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt nhưng vẫn hát với giai điệu run run khiến du khách tới đây không khỏi xao xuyến, bồi hồi.

Và tại chợ phiên bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn dân tộc, các loại rượu đặc sản được chế biến từ gạo nếp, sắn, ngô cũng như các loại hoa quả tươi như mận, táo, lê… nói chuyện với những dân tộc thiểu số.

Thu hút phụ nữ dân tộc và khách du lịch nhiều nhất chính là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc gùi bằng mây duyên dáng. Tại đây, bạn có thể tùy ý lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm, hoa mắt với những sắc màu rực rỡ của váy áo các thiếu nữ dân tộc Mông, Dao đỏ. Khách du lịch nước ngoài thường trầm trồ trước những bức tranh được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc hài hòa và đẹp mắt. Trong tiếng ồn ào mua bán, nghe đâu đó tiếng khèn và tiếng hát lúc trầm lúc bổng của các chàng trai trẻ như mời gọi các cô gái.

Vẫn biết rằng, chợ Sapa đã xuống cấp sau hàng chục năm vật đổi sao dời, và vẫn biết rằng việc buôn bán của bà con dân tộc tại chợ làm ảnh hưởng đến giao thông huyết mạch của khu du lịch Sapa nhưng vẫn thấy nuối tiếc, vẫn thấy trống trải khi chợ cũ không còn.

Du lich Sapa không những thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có từ những đỉnh núi, ngọn đồi, thửa ruộng bậc thang ngập tràn trong sương mù hay rực rỡ trong mùa vụ lúa mới mà còn hấp dẫn bởi nét văn hóa độc đáo truyền thống của các đồng bào dân tộc trong những trang phục thổ cẩm truyền thống hay trong những lễ hội đặc trưng. Và đặc biệt hơn cả là những phiên họp chợ định kỳ hội tụ những phong tục tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Minh Phan