Chợ đường tàu nguy hiểm nhất ở Thái Lan
(Dân trí) - Mỗi ngày, các chuyến tàu chạy qua khu chợ ở Thái Lan tới 8 lần. Khi đó, các tiểu thương và du khách phải chạy dạt sang hai bên để tránh.
Chợ Maeklong ở Samut Songkhram, cách Thủ đô Bangkok hơn 70km về phía tây, là điểm đến hấp dẫn cho những khách du lịch bụi muốn một lần trải nghiệm sự nguy hiểm.
Đó là khu chợ trời dài gần 500m, nằm trên đoạn đường ray đang hoạt động và có tuổi đời hơn 100 năm ở Thái Lan. Bởi vậy, du khách vẫn gọi nó với cái tên dân dã hơn là "chợ đường tàu".
Ngày mới ở đây bắt đầu từ 6h20 phút sáng. Chuyến tàu hỏa đầu tiên chạy xuyên qua chợ Maeklong - một trong những trung tâm bán hải sản, nông sản lớn nhất ở Thái Lan. Lịch tàu chạy cố định 8 chuyến mỗi ngày. Những chuyến đến Mae Klong dự kiến lúc 8h30, 11h10, 14h30 và 17h40. Lượt về từ Mae Klong bao gồm 6h, 9h, 11h30 và 15h30.
Không quá lời khi nói rằng, Maeklong là khu chợ truyền thống có vị trí "đáng sợ" khi nằm sát với đường ray. Nhiều tạp chí du lịch nước ngoài gọi nơi này là "khu chợ nguy hiểm nhất thế giới". Tuy nhiên nơi này đặc biệt được khách phương Tây thích lui tới bởi họ muốn chứng kiến tận mắt sự nguy hiểm, cũng như nhịp sống, buôn bán của các tiểu thương.
Giống như nhiều khu chợ trời khác, chợ Maeklong bày bán đủ loại. Du khách có thể tìm mua không thiếu món đồ nào, từ thực phẩm tươi sống, hải sản, tới rau củ quả và gia vị. Các sạp hàng chỉ dựng tạm bợ, sát với đường ray. Thậm chí có những sạp rau củ bày bán ngay trên đường tàu.
Nhiều du khách khi tới đây từng đặt câu hỏi, chợ hay đường tàu có trước? Đáp án chính xác đó là chợ Maeklong xuất hiện ở đây sớm hơn. Đường tàu Maeklong được xây dựng để kết nối với Bangkok từ năm 1905. Và nó chạy xuyên thẳng qua khu chợ khoảng vài chục năm nay.
"Trông có vẻ rủi ro, nhưng thực tế không nguy hiểm chút nào", bà Samorn Armasiri, một tiểu thương bán rau củ cho biết. Gia đình bà Samorn kinh doanh ở khu chợ suốt 5 thập kỷ, nhưng chưa từng chứng kiến vụ tai nạn nào.
"Khi tàu tiến tới với tốc độ chậm, nghe tiếng còi hiệu, chúng tôi nhanh chóng dọn đồ vào trong", bà nói.
Thật vậy, các tiểu thương và người mua đã quen với nếp sinh hoạt cảnh mua bán bên đường ray. Họ thích nghi với giờ tàu chạy đều đặn 8 lần mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. Khi nghe thấy tiếng chuông báo kéo dài 3 phút, tất cả phải thu dọn sạch sẽ để nhường đường cho tàu qua. Chợ chỉ tạm dừng hoạt động trong đôi phút là khi tàu chạy xuyên qua. Ngay sau đó, cảnh mua bán lại diễn ra như thường lệ. Các tiểu thương tiếp tục đưa sạp hàng bày bán trên đường ray.
Sau 2 năm khó khăn vì đại dịch và có thời điểm phải đóng cửa, nhưng rồi khu chợ độc đáo này cũng mở cửa đón khách trở lại.
Ella McDonald, du khách Australia, ngạc nhiên trước "sự hỗn loạn có tổ chức" ở Maeklong. "Tôi đã sốc khi nhìn thấy cảnh đoàn tàu di chuyển trong không gian nhỏ hẹp. Trải nghiệm này rất độc đáo. Tôi chưa bao giờ thấy điều này ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới", cô nói.
Trong khi đó, quản lý nhà ga, ông Charoen Charoenpun tin rằng sự chân thật tạo nên danh tiếng cho "chợ đường tàu".
"Mọi thứ ở đây không hề được sắp đặt mà rất tự nhiên. Khách du lịch đến có thể cảm nhận được truyền thống và nét văn hóa riêng của người dân địa phương", ông nói.
Đến nay, cái tên "chợ đường tàu" đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người. Không ít khách thập phương khi tới Bangkok đều muốn ghé thăm nơi này để trải nghiệm cảm giác tàu chạy qua ngay sát người. Nhằm đáp ứng nhu cầu, nhiều công ty lữ hành đã mở bán những gói tour khám phá trong ngày, bao gồm những điểm đến hấp dẫn ở Bangkok và có ghé qua "khu chợ nguy hiểm nhất" để du khách được trải nghiệm.