Chiêm ngưỡng hóa trang Bồ Tát trong lễ hội Quán Thế Âm
(Dân trí) - Sáng 16/3 (nhằm 19/2 âm lịch), tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), hàng vạn du khách cùng người dân, Phật tử đổ về dự lễ hội Quán Thế Âm, xem lễ rước đoàn hóa trang Bồ Tát - phần lễ được trông đợi nhất của một trong 15 lễ hội lớn nhất nước này.
Lễ hội năm nay còn có các đoàn Phật tử Vương quốc Thái Lan, Myanmar, Hàn Quốc và đoàn nghệ sĩ thư pháp Nhật Bản về dự.
Từ sáng sớm, hàng vạn du khách cùng người dân, Phật tử đã náo nức về chùa Quán Thế Âm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn dự xem lễ hội. Sau các nghi thức chính lễ vía Đức Bồ Tát là Lễ rước Quán Thế Âm. Lễ rước năm nay tái hiện nhiều hóa thân của Bồ Tát trong 32 hóa thân của Ngài, đặc biệt là hình tượng Khổng tước Minh Vương Bồ Tát (Bồ Tát cưỡi khổng tước). Đoàn hóa trang thu hút hàng vạn người dõi theo chiêm ngưỡng.
Các tiết mục trình diễn nghệ thuận mang đầu màu sắc văn hóa Phật giáo
Phần hội năm nay có nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như Triển lãm tranh, ảnh, thư pháp; Hội cờ làng; Hội Hô hát Bài Chòi; Biểu diễn võ thuật truyền thống... Đặc biệt, lần đầu tiên, hội đua thuyền trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm năm nay tái hiện hội đua thuyền đoạt cờ lệnh rước Huyền Trân Công Chúa - một điển tích gắn với lịch sử nhà Trần.
Dịp này, người dân và du khách đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có thể tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm. Đây được xem như bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, trưng bày hơn 500 hiện vật có giá trị thể hiện sự phát triển của văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau.
Vượt ngoài ý nghĩa của một lễ hội mang màu sắc tôn giáo, lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành một sự kiện văn hóa thu hút du khách tìm về thưởng ngoạn danh thắng Ngũ Hành Sơn, trải nghiệm, tìm hiểu đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Lễ hội Quán Thế Âm do đó không những góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước.
Khánh Hiền