Chi 45 triệu đồng, khách Việt "đứng tim" ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới

Huy Hoàng

(Dân trí) - Chị Hoàng Thúy Anh vẫn nhớ nguyên cảm giác đứng tim khi nhìn thấy đường băng chỉ dài 500m, độ dốc gần 12% ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới tại Nepal. Chỉ cần phi công sơ suất, tất cả sẽ bỏ mạng.

Hạ cánh ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới

Chị Hoàng Thúy Anh, người Mỹ gốc Việt, hiện sinh sống tại thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas, Mỹ. Tháng 3 vừa qua, chị có chuyến đi tới Bhutan và Nepal để hoàn thành ước mơ dự kiến từ lâu là đến Everest. 

Chi 45 triệu đồng, khách Việt đứng tim ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới - 1
Chị Hoàng Thúy Anh trong chuyến du lịch Bhutan và Nepal gần đây (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Điểm đặc biệt của chuyến đi này ở chỗ, để đến được Everest, du khách phải di chuyển qua sân bay Lukla. Đây được mệnh danh là sân bay nguy hiểm nhất thế giới bởi sở hữu đường băng chỉ dài 527m có độ dốc gần 12%, trong khi các đường băng quốc tế thường có chiều dài hơn 3.000m.

Đường băng có điểm đầu là bên cạnh sườn núi, còn điểm kết thúc là vách của một ngọn núi khác. Bởi vậy làm thế nào để máy bay hạ cánh an toàn là một thách thức rất lớn với phi công.

Ở độ cao này, không khí loãng khiến máy bay gặp khó khăn lúc giảm tốc độ do lực cản yếu. Điều này có nghĩa máy bay phải hạ cánh thật nhanh và gọn lẹ để giữ quán tính. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của phi công có thể trả giá bằng tính mạng toàn bộ con người trên máy bay.

Chuyến đi của chị Thúy Anh được thực hiện vào tháng 3/2024. Không phải lúc nào hành khách muốn cũng có thể bay bởi phải đợi thời điểm thời tiết đẹp, không mưa, không bị sương mù.

Chi 45 triệu đồng, khách Việt đứng tim ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới - 2
Cảnh núi đồi hùng vĩ được du khách ghi từ trên máy bay (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Xuất phát từ thủ đô của Nepal, thành phố Kathmandu tới Lukla khoảng 45 phút di chuyển. Đoàn du khách của chị Thúy Anh gồm 5 người và một phi công. Đó là loại máy bay cỡ nhỏ, không có tiếp viên hàng không.

Trong suốt chuyến bay, du khách không được phục vụ đồ ăn uống. Trên máy bay, toàn bộ hành khách phải đeo tai nghe có bộ đàm liên lạc hai chiều để tiếp nhận các thông tin trực tiếp từ phi công.

"Chuyến bay này khiến tôi có cảm giác như bước vào bộ phim mạo hiểm mà những nhà leo núi Everest phải đối mặt. Máy bay trực thăng bay vừa đủ cao trên những đỉnh núi cao nhất thế giới ở dãy Himalaya.

Có những lúc tôi cảm giác máy bay chạm vào đỉnh núi đến nơi, rồi có thời điểm lại tưởng như sắp lộn nhào giữa không trung đủ làm tim muốn rớt ra ngoài", Chị Thúy Anh nhớ lại.

Sự nguy hiểm của sân bay này không chỉ dừng ở đường băng ngắn, dốc đứng nằm ngay bên sườn núi, phi công cũng không còn lựa chọn thoát hiểm nào trong trường hợp xấu nhất bởi xung quanh đều là dãy núi cao sừng sững.

Chi 45 triệu đồng, khách Việt đứng tim ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới - 3
Đường băng chỉ dài hơn 500m của sân bay (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sân bay Lukla từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn chết người, trong đó vụ việc gần nhất xảy ra vào năm 2008 khi máy bay của Yeti Airlines hạ cánh xuống và thấp hơn đường băng vài bước chân.

Điều này khiến máy bay bị đâm vào núi. Kết quả khiến 18 người thiệt mạng, chỉ duy nhất phi công sống sót. Đến nay ước tính hơn 50 người đã thiệt mạng tại sân bay này.

Đo cân nặng của khách để bay tới đỉnh Everest

Từng đặt chân tới 110 quốc gia trên thế giới, chinh phục nhiều vùng đất lạ, nhưng chuyến đi này khiến vị khách gốc Việt thấy hồi hộp hơn cả bởi có áp lực về chuyện sinh tử. Chị đánh giá, đây là hành trình trải nghiệm không dành cho người yếu tim và thiếu nền tảng thể lực.

Trước chuyến đi này, chị từng bay tới núi Salt flat Salar de Uyuni ở Bolivia (với độ cao khoảng 6.000m so với mực nước biển) để cảm nhận sức chịu đựng của bản thân tới đâu. 

Chuyến đi có mức chi phí 1.800 USD (45 triệu đồng). Theo tìm hiểu của vị khách gốc Việt, do xảy ra quá nhiều tai nạn tại đây nên ngành hàng không Nepal đặt ra tiêu chuẩn rất cao đối với phi công muốn lái máy bay tới Lukla.

Cụ thể, phi công phải thành công với 100 chuyến bay cất và hạ cánh ở nơi có đường băng ngắn, có ít nhất một năm kinh nghiệm lái máy bay ở Nepal và thành công 10 chuyến đi tới Lukla dưới sự giám sát của những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.

Đường băng chỉ dài hơn 500m ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới (Nguồn video: Hoàng Thúy Anh).

Chị Thúy Anh kể, trước khi hạ cánh xuống đường băng, máy bay bị chao đảo lắc lư khoảng 10 phút khiến mọi người đều căng thẳng. Tuy nhiên sự lo lắng biến mất khi phi công đáp xuống đường băng rất nhanh gọn và chuẩn xác.

Nhóm du khách của chị Thúy Anh được phi công lưu ý khi ra khỏi máy bay trực thăng không được nhảy lên hoặc giơ tay lên trời. Trước đó từng có trường hợp du khách vì quá phấn kích đã nhảy lên cao, không may rơi đúng vào cánh quạt của máy bay chưa dừng lại và bị chém đứt tay.

Chị Thúy Anh quan sát và nhận thấy, gọi là sân bay nhưng thực ra đây chỉ là chỗ trống nhỏ giữa hẻm núi. Khác với những sân bay trên thế giới, sân bay Lukla thậm chí không hề có phòng chờ, ghế ngồi và không gian rất nhỏ.

Chi 45 triệu đồng, khách Việt đứng tim ở sân bay nguy hiểm nhất thế giới - 4
Vị khách gốc Việt (áo vàng) hào hứng khi hạ cánh an toàn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi máy bay hạ cánh, hành khách lúc ra ngoài được yêu cầu đứng nguyên tại chỗ. Trong 5 hành khách bay từ Kathmandu tới đây, 3 người tiếp tục hành trình chinh phục Everest bằng đường bộ, chỉ còn chị Thúy Anh và một du khách Nga ngồi chờ máy bay, tiếp tục bay lên Everest.

"Nhiệt độ ngoài trời không quá lạnh còn không khí khá loãng nhưng tôi thấy vẫn chấp nhận được. Chỉ sau 10 phút chờ đợi, tôi cùng một hành khách khác lại tiếp tục lên đường", chị Thúy Anh cho biết.

Theo chia sẻ của vị khách gốc Việt, trước khi ngồi máy bay tiếp tục hành trình khám phá Everest từ trên cao, du khách phải ghi chú trọng lượng cơ thể để hãng bay xếp chuyến bay cho hợp lý.

Mỗi chuyến bay chở không quá 2 người và hành khách không mang theo hành lý quá nặng, chỉ cầm theo giấy tờ tùy thân, máy ảnh. Được biết, hành trình di chuyển có chi phí 1.800 USD (45 triệu đồng).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm