“Check-in” xã đảo Tam Hải dịp nghỉ lễ
(Dân trí) - Từ quốc lộ 1A huyện Núi Thành (Quảng Nam) rẽ về phía biển 10km, qua chuyến phà từ cảng Kỳ Hà, bạn đã đặt chân đến xã đảo Tam Hải. Xã đảo yên bình được bao bọc một mặt bởi dòng Trường Giang mênh mông sóng nước và ba mặt bởi biển cả bao la. Có lẽ bởi vậy mà nơi đây mang tên Tam Hải.
Ngăn cách với đất liền chỉ một đoạn sông Trường Giang nhưng Tam Hải đã mang một hương vị biển khác lạ, thu hút người lữ khách tìm về chốn bình yên.
Tam Hải “hớp hồn” du khách bởi bãi biển chạy dài cong cong hình vòng cung; những hàng dừa xiêm cao vút rợp bóng, nghiêng mình về phía biển; bởi vô vàn phiến đá lớn nhỏ muôn hình vạn dạng xếp chồng lên nhau và bởi khung cảnh bình dị của người dân làng chài với lưới, ghe thuyền và thúng. Hết sức bình dị.
Một thắng cảnh khác ở Tam Hải là ghềnh đá Bàn Than. Đây là một vách đá đen dựng đứng sát mép biển cao 42m, một cảnh quan hùng vĩ và hiếm có, xét trên cả dải ven biển miền Trung nhiều bãi cát.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng “Núi Phú Xuân, còn có tên là núi Bàn Than, nằm kề cửa biển Đại Áp; mạch núi nguyên từ núi Chủ Sơn kéo về chia ra, quanh co qua các xã Hòa Vấn và Phú Hoà, đến thôn Phú Xuân Hạ thì nổi lên một ngọn lớn mà tròn, sắc đen như than, đứng xa thấy đỉnh núi như cái mâm than nên gọi tên thế. Ngoài biển về phía đông nam kết thành nhiều đảo nhỏ có hòn Măng, hòn Rùa, hòn Dương...”.
Quanh ghềnh đá Bàn Than là một rạn san hô lớn kéo dài hơn 10 cây số, nơi tập trung sinh sống của nhiều loại hải sản quý như tôm hùm, tôm sú, ốc hương, cá mực các loại. Đặc biệt, đây là nơi sinh đẻ và phát triển của các loại ấu trùng tôm hùm. Trứng tôm hùm trôi theo dòng nước rồi bám vào các rạn san hô phát triển thành tôm hùm con. Nếu không được bắt, đến tuổi chúng sẽ đi ra khơi phát triển thành tôm hùm trưởng thành.
Một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua là khám phá bãi rêu ở Tam Hải. Những bãi rêu tuyệt đẹp và cũng là nơi nhiều bạn trẻ đến để chụp hình “tự sướng”. Nếu chưa đến đây, coi như bạn bỏ qua một địa điểm đẹp ở Tam Hải.
Giữa năm 2017, một làng bích họa đã được các sinh viên tình nguyện đến từ Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng “tô vẽ”, biến nhiều bức tường nhà, bờ rào cũ kỹ của người dân xã đảo Tam Hải trở thành các bức tranh bích họa sinh động, đầy màu sắc.
Sự xuất hiện của những bức bích họa không chỉ làm đời sống, nhận thức của người dân xã đảo thay đổi mà còn góp phần phát triển du lịch, văn hóa cộng đồng nơi đây…
Là một hòn đảo chưa được nhiều du khách biết đến nên dịch vụ lưu trú trên đảo chưa thực sự phát triển. Nếu muốn ở lại khám phá đêm ở đảo, du khách có thể dựng lều hoặc ở nhà dân. Còn không ở lại, sau một ngày tham quan, thưởng thức đặc sản biển ở Tam Hải, du khách có thể quay lại đất liền, kết thúc buổi tham quan.
C.Bính