Chàng thạc sĩ bỏ châu Âu về Phú Quốc sống "hoang dã", nghỉ hưu ở tuổi 29
(Dân trí) - Năm 29 tuổi, sau khi trở về từ châu Âu, Bá Nguyên quyết định "nghỉ hưu" sớm, ở lại Phú Quốc trải nghiệm cuộc sống "hoang dã" anh yêu thích.
Chàng trai Nguyễn Bá Nguyên (Savage Ba, 31 tuổi) thường xuyên chia sẻ những hình ảnh ấn tượng về "cuộc sống hoang dã" tại các hòn đảo đẹp mê ly ở Phú Quốc (Kiên Giang).
Những ngày "thèm mùi biển, nhớ vị hải sản", Nguyên xách theo dụng cụ săn bắt, nấu ăn rồi lên thuyền ra đảo - những nơi còn hoang sơ, ít khách du lịch biết tới tại hòn Mây Rút, hòn Gầm Ghì hoặc nơi vắng vẻ ở bãi Sao, bãi Trường.
Mặc bộ đồ lặn bảo hộ giữ ấm, đeo chân vịt, Nguyên cầm theo chiếc lao bắt cá, nhảy xuống nước. Sau khoảng 10 giây, anh lặn sâu xuống 10 - 18m, đồng thời xả áp để tai không đau do áp lực nước. Nín thở được khoảng 2-3 phút, anh lặn tìm xung quanh những rạn san hô. "Chiến lợi phẩm" của Nguyên thường là cá bè lão, cá hồng bạc, thêm một chút nhum, hàu, sò mai.
Sau khi lên bờ, với con dao dã chiến sắc nhọn, Nguyên thành thục làm vẩy cá, thái lát, chế biến sashimi hoặc các món nướng. Anh thay đổi món Á, Âu hoặc cả món châu Phi tùy theo sở thích. Đôi khi, trong những chuyến hành trình có thêm bạn bè, du khách, Nguyên đặt tôm hùm từ Nha Trang hay Australia để có bữa hải sản tươi đa dạng.
"Trải nghiệm cuộc sống hoang dã giữa biển đảo là cách tôi tận hưởng cuộc sống", Bá Nguyên chia sẻ.
Rời châu Âu về Phú Quốc sống "hoang dã"
Nguyên sinh ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nhỏ, anh đã thích biển. Năm 10 tuổi, Nguyên sang sống và định cư tại Cộng hòa Séc, chỉ có ít ngày về Việt Nam vào mùa hè. Anh tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế đối ngoại, thạc sĩ ngành an ninh toàn cầu.
"Tôi mê lặn biển từ thời sinh viên. Lúc ấy, tôi dùng tiền tiết kiệm để mua những bộ đồ lặn chuyên nghiệp, tham gia học kĩ năng săn bắt. Ban đầu, những bộ đồ cơ bản có giá khoảng 15 triệu đồng rồi dần nâng cấp tới 70 - 80 triệu đồng", Nguyên kể. Có thời gian rảnh, anh rong ruổi tới các vùng biển nổi tiếng ở Ý, Na Uy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp để du lịch và trải nghiệm lặn biển. Ở châu Âu, đây là môn thể thao khá phổ biến, kết hợp giữa vận động và du lịch khám phá.
Năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ, anh về Việt Nam thăm ba mẹ. Thời điểm này, gia đình anh đã chuyển ra Phú Quốc để sống và kinh doanh.
Nguyên dự kiến ở Phú Quốc 6 tháng rồi trở lại châu Âu làm việc. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát phức tạp, anh quyết định ở lại Đảo Ngọc, dành thời gian trải nghiệm cuộc sống hoang dã.
Với nguồn thu nhập thụ động từ đầu tư tài chính, Nguyên quyết định "nghỉ hưu sớm" ở tuổi 29. Hàng ngày, anh dành nhiều thời gian thuê thuyền máy đi biển Rạch Vẹm, Rạch Tràm, hòn Xưởng, hòn Gầm Ghì và cả những đảo hoang ở phía bắc Phú Quốc.
Như thói quen, trước khi lặn biển ở bất cứ đâu, Nguyên đều tìm hiểu thông tin về các loại cá, hải sản để tránh săn phải loại không ăn được hay ở trong danh sách bảo tồn.
Theo Nguyên, việc lặn hoang dã ở Phú Quốc có nhiều thuận lợi vì ít dòng chảy mạnh, nước ấm. Nhiều vùng khác như Bali nước chảy rất mạnh, nguy hiểm, thậm chí có dòng chảy ngược chiều. Còn vùng biển ở châu Âu thì nhiệt độ nước khá thấp, ở mức 14-16 độ C ngay cả giữa mùa hè.
"Ở Phú Quốc, muốn săn hải sản phải tìm ra các đảo còn hoang dã, xa đảo lớn 10 - 20km. Nếu đi tìm nhum, hàu thì rất dễ, chỉ cần lặn 3m tới 6m. Còn nếu muốn săn cá biển trên 2kg, tôi sẽ phải lặn ở mực nước từ 8m đến 18m", Nguyên cho biết.
"Gian bếp" trên bờ biển
Mê cuộc sống hoang dã trên biển nhưng anh Nguyên cũng rất mê chế biến hải sản. Ngoài đồ lặn, hành trang trong mỗi chuyến đi là bếp, dụng cụ tạo lửa, thớt, đĩa, dao... kèm rất nhiều loại gia vị như ớt bột, gia vị Cajun của Mỹ, bột hành tây, bột thì là, muối, tiêu, chanh, hành, ngò, chanh dây, bơ, phô mai, dầu oliu, dầu mè, nước tương pha sashimi, mù tạt...
"Tôi chỉ săn bắt đủ lượng hải sản sử dụng và rất trân trọng những sản vật từ thiên nhiên. Do đó, tôi muốn chế biến chúng hấp dẫn, đẹp mắt nhất có thể. Tôi có nguyên tắc, không bao giờ bỏ phí hải sản", Bá Nguyên chia sẻ.
"Tự săn bắt hải sản một cách tự nhiên và chế biến ngay tại biển sẽ ngon hơn rất nhiều xách giỏ ra siêu thị để mua những miếng cá làm sẵn", anh nói thêm.
Bá Nguyên có thể trang trí món ăn với những thứ có sẵn trên biển như lá chuối, lá dừa, đá san hô chết, hoa biển... tùy cảm hứng.
"Phú Quốc thực sự rất đẹp. Nhưng giống như nhiều vùng biển khác ở Việt Nam, hải sản ở đây bị săn bắt quá mức, có thể cạn kiệt. Ngoài ra, sự phát triển nhanh đột biến của du lịch cũng khiến nhiều vùng tại đây ô nhiễm rác thải nhựa, mất dần vẻ đẹp hoang sơ", Bá Nguyên trăn trở.
Năm 2022, Nguyên bắt đầu đón và đưa nhiều bạn bè trải nghiệm tour hoang dã tại Phú Quốc cùng với mình. Tuy nhiên, anh không có ý định làm tour du lịch đại trà. Anh cũng ghi lại video về những chuyến đi của mình, chia sẻ trên mạng xã hội với hy vọng giúp mọi người chiêm ngưỡng được nét hoang sơ của Phú Quốc.
Chị Hằng Bùi (Hà Nội) từng đưa các con tham gia một chuyến lặn biển hoang dã cùng Nguyên chia sẻ: "Chỉ cần nhìn Nguyên thôi, cũng thấy Nguyên mặn mòi nắng gió. Mái tóc chẻ đôi khẽ rủ xuống gò má cao, hàm răng trắng, đôi tay gân guốc, bộ quần áo xanh tối màu… như mặc định cả đời này Nguyên sẽ chỉ ở biển, thuộc về biển, và mãi yêu biển".
Theo chị Hằng, Nguyên không phải hướng dẫn viên du lịch, không làm tour chuyên nghiệp nên hành trình này không có kịch bản và mỗi vị khách có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Chị và hai con được học câu cá, săn cá... và "chiến tích" là một thùng lớn đầy ắp cá.
Nguyên mời gia đình món cá mú, cua và tôm hùm tươi rói được mang theo. Cá mú chia nửa làm món Ceviche của Peru và ướp dầu ô liu, hương thảo nướng. Tôm hùm một nửa nướng trực tiếp, nửa còn lại làm sashimi... Chị Hằng và hai con thưởng thức ngon lành.
"Cuối ngày, chúng tôi theo Nguyên đi dọn rác. Đồ của Nguyên mang theo gần như không có gì là rác để bỏ lại. Cậu ấy không dùng thìa hay bát đĩa nhựa", chị Hằng kể.
Bá Nguyên cho biết, thời gian tới, anh có thể sẽ dành thời gian đến nhiều vùng đảo khác trên thế giới để tiếp tục khám phá, sống hoang dã.
Ảnh: Savage.dragon999/Savage dragon