Cây ngân hạnh 250 năm bị chặt trụi, lý do khiến nhiều người khó chấp nhận
(Dân trí) - Cây ngân hạnh cổ thụ với tuổi đời trên 250 năm bất ngờ bị chặt trụi với lý do tán cây làm che ánh sáng tự nhiên của ngôi nhà gần đó. Hiện chính quyền tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã vào cuộc.
Một cây ngân hạnh cổ thụ khoảng 250 năm tuổi ở huyện Vọng Thương (thành phố Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) vừa bị chặt ngọn và tỉa cành trơ trụi. Đến nay, cây cổ thụ này rơi vào tình trạng nguy cấp.

Cây ngân hạnh cổ thụ sau khi bị xử lý (Ảnh: Tứ Xuyên).
Ngày 7/4, hàng loạt tờ báo tại Trung Quốc đưa tin về nguyên nhân khiến cây ngân hạnh cổ thụ bị cắt tỉa quá mức. Đó là do chủ hộ của một ngôi nhà gần đó lên tiếng phàn nàn về việc tán cây quá sum suê đã che hết ánh sáng tự nhiên, khiến họ bức xúc và quyết định ra tay.
Theo thông tin ban đầu, cây ngân hạnh bị chặt ngọn, đào rễ mà không bị chính quyền sở tại can thiệp. Tuy nhiên, sau khi hình ảnh về cây cổ thụ bị xử lý được lan truyền trên mạng xã hội gây phẫn nộ trong dư luận, địa phương mới chính thức vào cuộc.
Được biết, đây là cây ngân hạnh được cấp mã số trong danh sách những cây cổ thụ ở Tứ Xuyên và thuộc cấp độ bảo vệ cấp 3. Bảng thông tin về việc bảo vệ cây được treo từ tháng 4/2020.
Theo luật pháp Trung Quốc, những cây có tuổi đời trên 100 năm được xếp hạng cây cổ thụ và cần được địa phương bảo vệ. Trong trường hợp này có sự mâu thuẫn giữa việc bảo vệ cây và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Một luật sư (không tiết lộ danh tính) có văn phòng luật tại tỉnh Tứ Xuyên nhận định, người dân do thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã có hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những cây quý được Nhà nước bảo vệ.
Trước sức ép từ dư luận, chính quyền địa phương khẳng định đang yêu cầu những người có trách nhiệm cần được xử lý. Cùng với đó, địa phương cho biết sẽ liên tục tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao ý thức người dân trong cộng đồng.

Ngoài ra, địa phương sẽ triển khai công tác cứu hộ nhằm phục hồi cây ngân hạnh bị hư hại.
"Những cây cổ thụ vốn được mệnh danh là bảo vật xanh của quốc gia. Chúng giống như di tích văn hóa sống, mang tới tài nguyên sinh thái rất quan trọng. Bởi vậy Trung Quốc cần thực hiện cơ chế quản lý mỗi cây cần có một chính sách và được bảo vệ sát sao.
Cùng với đó, các sở ban ngành có liên quan cần gánh vác trách nhiệm bảo vệ, kịp thời phát hiện và xử lý tình huống bất ngờ", vị luật sư phân tích.
Tại Trung Quốc, những cây ngân hạnh cổ thụ vốn hút khách du lịch mỗi khi bước vào mùa thu. Quốc gia này sở hữu một số cây ngân hạnh có tuổi đời hàng nghìn năm, được chính quyền bảo vệ.
Tiêu biểu có thể kể tới tỉnh Thiểm Tây ở phía đông bắc là nơi quy tụ nhiều cây ngân hạnh cổ thụ trên 1.000 năm tuổi. Hàng năm cứ tới tháng 11, du khách từ các nơi lại đổ xô tới ngôi chùa trên dãy núi Trung Nam để chiêm ngưỡng cây ngân hạnh cao hàng chục mét, mọc bên cạnh pho tượng Phật Quan Âm, nhuộm vàng cả một khoảng trời.

Ngân hạnh còn có tên gọi khác là cây rẻ quạt, bạch quả. Người Trung Quốc còn ví loại cây này là "tiên nữ" nhờ vẻ đẹp thoát tục. Chúng còn được xem như "hóa thạch sống" tồn tại cùng thời gian và bất chấp biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu trước đó cho thấy, cây ngân hạnh có thể tiết ra các chất chống lại nạn hạn hán và sâu bệnh. Bởi vậy, có những cây tồn tại hơn 1.000 năm, trải qua nhiều trận lũ lụt, dịch bệnh nhưng vẫn sừng sững hiên ngang.
Không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, ngân hạnh còn là biểu tượng của mùa thu lá vàng ở các quốc gia thuộc khu vực Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Bắc Mỹ. Nổi tiếng nhất với du khách Việt là hàng cây ngân hạnh đẹp nên thơ ở đảo Nami (Hàn Quốc).