Cây đại thụ cổ nhất thế giới hơn 5.400 năm tuổi đang chết dần
(Dân trí) - Giới chuyên môn nhận định, cây bách này có thể là cây đại thụ cổ nhất còn sống trên trái đất, với tuổi đời khoảng 5.400 năm.
Khoảng 5.400 năm trước, khi con người bước vào thời kỳ đồ đồng, một cây bách có thể bắt đầu mọc ở vùng ven biển thuộc Chile ngày nay.
Mọc ở khe núi ẩm ướt, cây bách có tên gọi Alerce Milenario, đã phát triển tới kích thước khổng lồ, đường kính lên tới hơn 4m. Nhờ vị trí mọc đặc biệt nên nó không bị đe dọa bởi nạn cháy rừng hay chặt phá cây.
Đến nay, phần lớn thân cây đã chết, một phần ngọn cây biến mất. Chỉ sót lại phần nhỏ của cây vẫn còn sống. Gốc cây bị các loài rêu, dương xỉ xâm chiếm. Trong khi những thực vật khác bắt rễ vào khe nứt của nó. Giới chuyên môn nhận định, cây bách này có thể là cây đại thụ cổ nhất còn sống trên trái đất.
Nhờ sử dụng mô hình vi tính và phương pháp tính toán tuổi cây kiểu truyền thống, Jonathan Barichivich, chuyên gia người Chile làm việc tại phòng thí nghiệm khí hậu và khoa học môi trường Paris, ước tính cây bách này hơn 5.000 tuổi, nhiều hơn ít nhất 100 năm tuổi so với cây đại thụ đang nắm giữ kỷ lục hiện nay là cây Methuselah.
Đây vốn là cây thông bristlecone mọc ở phía đông California, Mỹ. Căn cứ theo số vòng sinh trưởng, cây thông Methuselah có tuổi đời khoảng 4.853 năm.
Trong rừng mưa phía tây thành phố La Union, cây bách Alerce Milenario trông nổi bật hơn hẳn so với những cây cổ thụ khác. Ông nội của chuyên gia Barichivich từng phát hiện ra cây bách này vào năm 1972. Kế nghiệp ông, chuyên gia Barichivich cùng nhóm cộng sự tiếp tục nghiên cứu về loài cây cổ thụ này.
Họ đã dùng một dụng cụ đục lỗ mà không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây để tính số vòng thân. Mục tiêu của nhóm sẽ "đếm thủ công" số vòng trên thân, từ đó suy ra độ tuổi chính xác nhất của cây. Mô hình cho kết quả ước tính cây bách Alerce Milenario khoảng 5.484 năm tuổi với 80% khả năng cây đã sống hơn 5.000 năm.
Nếu kết quả này được công nhận, cây bách Alerce Milenario sẽ phá vỡ kỷ lục "sống lâu nhất" của cây thông Methuselah. "Chúng tôi khá bất ngờ với điều này, vì ban đầu, tôi nghĩ cây chỉ khoảng 4.000 năm tuổi", chuyên gia người Chile Barichivich, chia sẻ.
Chuyên gia Nathan Stephenson đến từ Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho rằng nghiên cứu này của Barichivich rất thú vị nhưng cần vài phương pháp kiểm tra chéo khác trước khi thế giới chính thức công nhận kỷ lục cho cây bách đại thụ này.
Trong khi đó, chuyên gia Barichivich nhận định, cây bách Alerce Milenario hiện đang là "tài sản quý giá" của Chile nên cần được bảo vệ, bảo tồn tốt hơn. Ông cho rằng, việc xây dựng những công trình xung quanh để du khách tới đây chiêm ngưỡng có thể gây hư hại bộ rễ cây. Một quan chức thuộc đơn vị bảo vệ rừng Chile cho biết, hạn chế về ngân sách cũng là vấn đề trở ngại cho những nỗ lực bảo vệ cây đại thụ này.