Cây cọ kỳ lạ nở hoa trong hoang mạc
(Dân trí) - Tại Mojave - hoang mạc nổi tiếng của Mỹ có một loại cây cọ rất kỳ lạ có thể sống hàng trăm năm, rễ dài hàng chục mét và nở hoa phụ thuộc vào lượng mưa trong thời điểm thích hợp.
Cây cọ Yucca còn được gọi là cây Joshua là loài cây có nguồn gốc từ hoang mạc Mojave của Mỹ. Loại cây này chủ yếu chỉ mọc ở độ cao từ 400 đến 1.800 m và là loài cây mang tính biểu tượng của hoang mạc nổi tiếng này.
Vườn quốc gia cây Joshua là một công viên quốc gia của Mỹ nằm ở đông nam California. Nó được đặt tên theo cây Joshua (Yucca brevifolia) có nguồn gốc từ sa mạc Mojave. Joshua Tree được định danh là công viên quốc gia vào năm 1994.
Có nguồn gốc từ hoang mạc, cây Joshua có gai nhọn, các lá có màu xanh đậm, thẳng, hình lưỡi lê, dài 15 - 35 cm. Cây Joshua phát triển với tốc độ trung bình 7,6 cm mỗi năm trong 10 năm đầu tiên, sau đó chỉ khoảng 3,8 cm mỗi năm. Thân cây bao gồm hàng ngàn sợi nhỏ và thiếu các vòng sinh trưởng hàng năm, vì thế việc xác định tuổi của cây rất khó khăn.
Cây cọ đặc biệt này có một hệ thống nhánh khá nặng trên đỉnh và phần rễ dài tới 11 m. Dù sống trong sự khắc nghiệt của sa mạc nhưng nó có thể tồn tại hàng trăm năm. Những cây cao nhất cao tới 15 m. Cây mới có thể mọc từ hạt nhưng trong một số quần thể, cây mới mọc ra từ thân rễ ngầm lan ra xung quanh cây mẹ.
Hoa của cây cọ Yucca thường xuất hiện từ tháng 2 đến cuối tháng 4, dạng chùm dài từ 30 - 55 cm, màu trắng kem đến xanh lục. Quả được tạo ra có màu xanh nâu, hình elip và chứa nhiều hạt dẹt.
Cây Joshua thường không phân nhánh cho đến khi chúng nở hoa và chúng không nở hoa hàng năm. Giống như hầu hết các loài thực vật sa mạc, sự nở hoa của cây này phụ thuộc vào lượng mưa trong thời điểm thích hợp. Mùa đông trước đó ấm hay lạnh cũng có thể đóng vai trò trong việc cây cọ Yucca nở hoa.
Khi hoa nở, hoa được thụ phấn bởi loài bướm đêm yucca. Chúng phát tán phấn hoa trong khi đẻ trứng bên trong hoa. Ấu trùng ăn hạt nhưng cây vẫn có đủ hạt để sinh sản. Cây Joshua là một trong những loài được dự đoán là sẽ bị giảm phạm vi và dịch chuyển do biến đổi khí hậu.
Người Mỹ bản địa, những người đã sống ở vùng Tây Nam qua nhiều thế hệ từng coi cây Joshua là một nguồn tài nguyên quý giá. Tổ tiên của họ đã sử dụng lá của cây này để đan dép và giỏ, dùng hạt và nụ hoa để nấu ăn, sử dụng rễ cây có màu đỏ để làm thuốc nhuộm.