“Cần tìm ra giải pháp phát huy các thế mạnh của bán đảo Sơn Trà”

(Dân trí) - Trong buổi tọa đàm phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà, ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần phải rà soát lại toàn bộ dự án trên bán đảo Sơn Trà để có sự lựa chọn, di chuyển phù hợp, để phát triển du lịch bền vững mà vẫn đảm bảo được môi trường sinh thái tự nhiên.

“Quy hoạch Sơn Trà được làm đúng theo quy định pháp luật”

Sáng 30/5, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với UBND Đà Nẵng tổ chức tọa đàm phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định, quy hoạch du lịch Sơn Trà đã được lập, trình và phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc nên giữ nguyên trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Liên quan đến vấn đề này, ông Ái cho rằng cần phải xem xét ở góc độ khách quan, thấu đáo. “Chúng ta phải làm sao để vừa tìm ra giải pháp góp phần bảo tồn, vừa phát triển du lịch và phát huy các thế mạnh của bán đảo Sơn Trà”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói.

Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)
Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, là người ký văn bản kiến nghị “Xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà”, trăn trở cho biết, từ lâu bán đảo Sơn Trà đã được xem như “báu vật” của thành phố Đà Nẵng. Ở đây không chỉ có sự đa dạng sinh học mà còn có những loại thực vật, động vật cực kỳ quý hiếm. Trong đó, loài vọc Chà vá chân nâu được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam, là biểu tượng bảo tồn của Sơn Trà.

Bên cạnh đó, bán đảo Sơn Trà có vị trí chiến lược quốc phòng hết sức quan trọng, án ngữ cửa ngõ vào Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy. Đặc biệt hệ thống phòng thủ và radar của Sơn Trà được ví là mắt thần của Đông Dương, khống chế cả một vùng Biển Đông rộng lớn. Đáng tiếc, theo ông Vinh hiện nay rừng Sơn Trà ngày càng bị thu hẹp và đang bị tổn thương do các hoạt động của con người. “Tôi thực sự lo ngại trước việc quy hoạch Sơn Trà thành một thành một Khu du lịch Quốc gia. Nếu chúng ta không xem xét thận trọng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển thành phố Đà Nẵng trong tương lai. Trước khi nghĩ đến việc khai thác, sử dụng thì hãy bảo vệ nó trước đã”, ông Vinh nói.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến việc giữ nguyên trạng hay khai thác du lịch Sơn Trà
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến việc giữ nguyên trạng hay khai thác du lịch Sơn Trà

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, Sơn Trà cần phải phát triển du lịch để không bị bỏ phí, song phải phát triển theo hướng du lịch sinh thái bền vững, chứ không phải là việc “xẻ thịt” “xây mới các cơ sở lưu trú” như hiện nay. Ông Vinh nói, chỉ nên quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan, giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm. “Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt khách mỗi năm. Hiện tại, theo thống kê thì năm 2016, Đà Nẵng mới chỉ đón 5,5 triệu lượt khách”, ông Vinh thông tin.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng dẫn chứng về cách làm du lịch nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị thiên nhiên tại nhiều nước trên thế giới. “Tại đảo Phillip (Úc) nổi tiếng với loài chim cánh cụt. Du khách tới đây muốn tận mắt ngắm nhìn những chú chim này phải mang đồ tối màu, tắt điện thoại, nói chuyện nhỏ nhẹ. Họ làm du lịch nhưng vẫn gắn với việc giữ gìn, bảo tồn mà không cần sự bê tông hóa. Tại sao chúng ta không học tập họ?”. Ông Vinh cũng khẳng định, nếu được chọn ông không chọn việc xây dựng Sơn Trà bao nhiêu phòng, bao nhiêu dự án mà kiên quyết “giữ nguyên Sơn Trà bằng mọi giá”. “Tôi đã viết nhiều tâm thư gửi đi các nơi và tiến tới sẽ còn tiếp tục viết nữa. Nếu chúng ta không mạnh dạn làm thì đời con cháu chúng ta không thể được chiêm ngưỡng một “báu vật” đẹp như Sơn Trà nữa”, chuyên gia này khẳng định.

Làm sao để khai thác du lịch mà vẫn bảo tồn được môi trường thiên nhiên?

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch) thừa nhận, chính nhờ ý kiến của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và các tổ chức khác mà vấn đề Sơn Trà được dư luận quan tâm và công khai. Tuy nhiên ông Tuấn cũng đề nghị cần có cái nhìn khách quan, khoa học, bình tĩnh để xem xét những ý kiến đó.

Trước vấn đề này, đại diện UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đến năm 2012, Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có cơ sở lưu trú cho nhà đầu tư trong nước. Về đất đai, tính đến nay có 11/18 dự án đã nêu trên đã được ban hành quyết định giao, cho thuê đất với tổng diện tích 344 ha. Trong đó, các dự án đã đầu tư (hoặc đầu tư hoàn chỉnh một phần) và đưa vào hoạt động là 03 dự án, với tổng số phòng đang hoạt động là 253 phòng. Ngoài ra còn một số dự án chưa triển khai hoặc triển khai một phần nhưng đang tạm dừng. Vị đại diện này khẳng định, việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án này đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt về các yếu tố an ninh, quốc phòng.

Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, khi quy hoạch công bố, số cơ sở lưu trú tại khu du lịch Sơn Trà không vượt quá 1.600 phòng, địa phương cũng không phản đối. Tuy nhiên, việc HHDLĐN mới đây kiến nghị "giữ nguyên hiện trạng", tức tương đương với khoảng 300 phòng đang hoạt động, là không phù hợp. “Theo thống kê năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch Đà Nẵng là 575 cơ sở với khoảng 21.324 buồng phòng, đón được gần 2,6 triệu lượt khách, đạt công suất buồng phòng là 50%.

Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú (gần gấp 3 làn) đến năm 2030, theo công suất buồng thực tế thì Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng”, lãnh đạo này khẳng định. Vị này cũng cho rằng, việc quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với nhiều chức năng, tham quan, vui chơi, giải trí, lưu trú, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên… tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn mà vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn thiên nhiên nếu có các giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và quy chế quản lý chặt chẽ. Việc hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm có thẻ hạn chế bằng nhiều giải pháp tổ chức, quản lý.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng cần thiết phải quy hoạch Sơn Trà song nên rà soát lại toàn bộ các dự án một cách nghiêm túc.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng cần thiết phải quy hoạch Sơn Trà song nên rà soát lại toàn bộ các dự án một cách nghiêm túc.

Liên quan đến việc “quy hoạch” hay “giữ nguyên trạng Sơn Trà”, ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, trong việc phát triển và bảo tồn Sơn Trà thì việc quy hoạch là điều cần thiết, quan trọng. Việc này sẽ giúp đánh giá lại hiện trạng và mang tính dự báo các công trình trong tương lai. Ông Bình cũng cho rằng đã gọi là một khu du lịch sinh thái Quốc gia, thì bắt buộc phải có cơ sở lưu trú. Có điều, các dự án này được xây dựng thế nào, ở đâu để không ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải xem xét lại nghiêm túc. Chuyên gia này cũng đánh giá cao trước quyết định của Đà Nẵng khi “dũng cảm” xem xét nghiêm túc giảm dự án đầu tư vào lĩnh vực lưu trú với quy mô từ 5.049 phòng khách sạn xuống còn 1600 phòng.

“Chúng ta hoàn toàn có thể đưa vào khai thác, phát triển du lịch song song với việc bảo tồn. Tôi không cực đoan như anh Vinh khi yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, song theo tôi các dự án được triển khai ở đây phải có các quy định nghiêm ngặt đi kèm đặc biệt là quy định về môi trường. Chúng ta có thể chọn xây dựng ở các vị trí đồi trọc, đất trống, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, để phát triển du lịch bền vững”, ông Bình nêu ý kiến.

Kết luận lại các ý kiến, ông Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí quyết liệt, khẩn trương. Bộ sẽ nghiên cứu để tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, quản lý và kể cả người dân bản địa một cách cầu thị. "Sắp tới tại Đà Nẵng sẽ diễn ra tọa đàm để các nhà khoa học, nghiên cứu tại Đà Nẵng có điều kiện tham dự", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm