Cận cảnh lò xúc xích Đức truyền thống cổ hiếm hoi tại Sài Gòn
(Dân trí) - Thực khách sẽ không khỏi bất ngờ khi chứng kiến toàn bộ quá trình làm ra một cây xúc xích đúng chuẩn truyền thống của Đức.
Tìm gặp ông Klaus Rutt, người làm xúc xích truyền thống kiểu Đức (sinh năm 1968, ngụ quận 12, TPHCM) vào lúc rạng sáng để tìm hiểu quy trình làm ra một cây xúc xích Đức, bất ngờ đầu tiên chính là kho xưởng, máy móc. Những chiếc máy nghiền, xay, nhồi, lò xông khói... có tuổi đời vài chục năm nhìn còn rất mới vì được làm bằng inox chất lượng cao.
Đức có một nền công nghiệp phát triển từ rất sớm. Chính vì thế mà những chiếc máy của ông Klaus Rutt nhìn cứ như mới nhưng tuổi đời thực ra là đã vài chục năm. Những chiếc máy này chính là vật “gia bảo” mà ông mang từ Đức sang Việt Nam từ những ngày đặt chân tới TPHCM.
Bất ngờ kế tiếp chính là câu chuyện sử dụng gia vị. Đa phần mỗi loại xúc xích được hòa trộn rất nhiều gia vị, có xúc xích dùng 5 loại, có loại dùng tới 7-9 thành phần gia vị. Tất cả những loại gia vị đều được nhập từ Đức, kể cả muối quặng.
Ông Klaus Rutt kể: “Khi tôi về đây thấy người Việt chưa có nhiều thông tin về xúc xích của người Đức nên tôi muốn mang đến hình ảnh xúc xích truyền thống cũng như cách làm một cây xúc xích Đức truyền thống là như thế nào. Tôi cũng không có ý định thay đổi khẩu vị của quê hương mình, vì làm như thế thực khách Việt sẽ không biết vị truyền thống của Đức là như thế nào. Rất may là người Việt rất thích điều đó”.
Theo ông Klaus Rutt, đặc thù xúc xích truyền thống của nông dân Đức là không sử dụng phụ gia, chất tạo màu, tạo mùi nên không thể giữ được lâu. Khi đưa vào siêu thị, cách bảo quản không đúng, tiếp xúc qua nhiều thân nhiệt từ lòng bàn tay của khách hàng thì sẽ nhanh hư.
Chính vì điều này mà nông dân Đức làm xúc xích thường có truyền thống bán lẻ và làm xúc xích theo một quy trình khép kín, từ khâu chăn nuôi, xẻ thịt, làm xúc xích và đưa ra thị trường.
“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nhìn thấy thực khách thưởng thức cây xúc xích của mình. Có những người ăn thật nhanh, có người ngồi trên xe máy để ăn, ngồi trên vỉa hè ngấu nghiến từng miếng xúc xích. Tôi cảm nhận người Việt khá niềm nở, tình cảm thể hiện qua cách vừa ăn, vừa trò chuyện. Tôi thấy mình thật gần với con người Việt Nam khi phục vụ tận tay cho họ cây xúc xích”, ông Klaus Rutt tâm sự.
Ở Đức, người dân hay kẹp xúc xích vào bánh mì và cầm tay để ăn. Người Việt thì khác hơn, thích xiên vào que hoặc sắt ra thành từng miếng nhỏ.
Thường sau một ngày bán xúc xích ở vỉa hè, ông Klaus trở về lò và bắt đầu công việc làm xúc xích của mình từ lúc 7h tối. Đến 2 - 3h sáng hôm sau, công việc làm xúc xích để bán cho ngày tiếp theo mới hoàn thành.
Tuy rất vất vả, nhưng theo người đàn ông này, làm xúc xích là một công việc ông rất yêu thích, ông luôn mong muốn giới thiệu thêm nhiều loại xúc xích đặc biệt hơn tại Việt Nam, quê hương mà ông đã chọn gắn bó gần 10 năm qua.
Phạm Nguyễn