Các ngõ phố Hà Nội như được "thay áo mới"

(Dân trí) - Dọc các tuyến phố trung tâm Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Bông, Bà Triệu… và xung quanh hồ Gươm, được trang hoàng rực rỡ cờ hoa và đèn chiếu sáng. Panô, áp phích hướng về kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cận ngày lễ, trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội đều tràn ngập hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vườn hoa trước hồ Hoàn Kiếm, Công viên Lê Nin và khắp các nơi trên phố phường Hà Nội như được thay áo mới. Các nhà dân cũng đồng loạt treo cờ hoa lộng lẫy tạo nên khung cảnh vô cùng rực rỡ.
 
Các ngõ phố Hà Nội như được thay áo mới
Trên khắp tuyến phố ở Hà Nội đều tràn ngập hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng.

Từ các cửa ngõ đi vào trung tâm nội đô trên các tuyến đường hệ thống pano, phướn với nội dung chào mừng lễ kỷ niệm đã được gắn hoàn chỉnh.

Càng đi sâu vào trung tâm thành phố, người dân càng choáng ngợp bởi những “chiếc áo mới” bằng hệ thống hoa, đèn trang trí, hoa đăng được bài trí tỉ mỉ dọc phố. Hệ thống đèn trang trí đã biến nhiều tuyến phố trung tâm nội đô trở thành những “sân khấu” lung linh đa sắc màu.

Để kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50, Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm diễn ra triển lãm ảnh với chủ đề: “Hà Nội – một bảo tàng sống”, giới thiệu 19 bức phù điêu ảnh và gần 80 bức ảnh kiến trúc đặc trưng và cuộc sống sôi động của người dân phố cổ của hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn. Triển lãm diễn ra đến ngày 11/5.
 
Các ngõ phố Hà Nội như được thay áo mới
Với không khí vui tươi của ngày thống nhất, mặc dù chưa đến ngày lễ nhưng mấy hôm nay đã có rất nhiều du khách thập phương đã đến tham quan.

Cùng với đó, tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào diễn ra trưng bày “Sản phẩm lụa trong đời sống Việt”, giới thiệu tới du khách những sản phẩm lụa tinh xảo do các nghệ nhân làng nghề của đất Thăng Long sản xuất. Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cũng sẽ tổ chức các hoạt động triển lãm giới thiệu hiện vật cổ trong đời sống Việt.

Tại đình Kim Ngân, số 42 - 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc tổ chức Tuần lễ giới thiệu nghề kim hoàn. Các nghệ nhân làng nghề sẽ vừa giới thiệu lịch sử nghề, trưng bày các đồ trang sức tinh xảo và bán sản phẩm cho du khách có nhu cầu.

Tất cả đều là các hoạt động văn hóa du lịch hữu ích, quan trọng nhằm đem đến cho du khách và người dân Phố cổ hiểu hơn về những giá trị lịch sử - văn hóa của Phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, hưởng ứng các ngày Lễ trọng đại của dân tộc.
Các ngõ phố Hà Nội như được thay áo mới
Các ngõ phố Hà Nội như được thay áo mới
Các ngõ phố Hà Nội như được thay áo mới
Trên các tuyến đường hệ thống pano, phướn với nội dung chào mừng lễ kỷ niệm đã được trang hoàng hoàn chỉnh. Hồ Gươm cũng là địa điểm được treo nhiều áp phích, băng rôn nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.

Đặc biệt hơn, năm nay để kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, TP.Hà Nội cũng sẽ dự kiến tổ chức bắn pháo họa tại 6 địa điểm: Bờ Hồ, Hồ Văn Quán, Công viên Lê Nin, Sân vận động Mỹ Đình, Thị xã Sơn Tây. Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại 6 địa điểm, gồm 3 điểm tầm cao, 3 tầm thấp.

Các nơi bắn pháo hoa tầm cao là: Trước Bưu điện Hà Nội (quận Hoàn Kiếm), hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và vườn hoa thị xã Sơn Tây. 1.500 quả pháo hoa được bắn tại 3 trận địa này.

Các nơi bắn pháo hoa tầm thấp là: Trước trụ sở báo Hà Nội Mới (quận Hoàn Kiếm), công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) và sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Thời gian bắn pháo hoa trong 15 phút, từ 21h đến 21h 15 ngày 30/4.

Với không khí vui tươi của ngày thống nhất, mặc dù chưa đến ngày lễ nhưng mấy hôm nay đã có rất nhiều du khách thập phương đến tham quan, ngắm tranh, ảnh về Hà Nội xưa được bố trí quanh hồ để đón chờ không khí của ngày lễ thống nhất non sông.

Hữu Thắng