Các kiến trúc nổi tiếng của đế chế La Mã từng tráng lệ như thế nào?

(Dân trí) - Mặc dù đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm nhưng những công trình biểu tượng của đế chế La Mã vẫn khiến giới kiến trúc đương đại phải “ngả mũ” vì tính thẩm mỹ, sự trường tồn và kích thước khổng lồ của chúng.

Đấu trường Colosseum

la_ma_1.jpg

Đấu trường Colosseum là một trong những công trình biểu tượng nổi tiếng nhất của đế chế La Mã, vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Trong quá khứ, Colosseum là nơi diễn ra những cuộc chiến đẫm máu của võ sĩ giác đấu, nhằm mục đích tiêu khiển cho người dân thành Rome.

Mặc dù đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm nhưng đấu trường Colosseum vẫn khiến giới kiến trúc đương đại phải “ngả mũ” vì tính thẩm mỹ, kết cấu vững chắc và kích thước khổng lồ (có sức chứa 50.000 – 80.000 khán giả).

Quảng trường La Mã

la_ma_2.jpg

 Quảng trường La Mã tọa lạc tại trung tâm của thành phố Rome. Đây là một quần thể kiến trúc hình chữ nhật và bao quanh bởi những công trình chính phủ quan trọng của chính quyền La Mã cổ đại.

Dưới thời đế chế La Mã, Quảng trường này chính là nơi diễn ra các buổi diễn thuyết, các phiên tòa hay còn được sử dụng như một sân khấu công cộng, để phục vụ người dân thành Rome.

Trường đua Circus Maximus

la_ma_3.jpg

Circus Maximus là nơi diễn ra những cuộc đua xe ngựa kéo đầy khốc liệt dưới thời La Mã. Công trình này nằm ở vị trí giữa đồi Aventinus và Palatinus. Sở hữu chiều dài 621 mét và bề ngang 118 mét với sức chứa 150.000 khán giả, Circus Maximus chính là trường đua đầu tiên và lớn nhất được xây dựng thời La Mã cổ đại.

Sân vận động Domitian 

la_ma_4.jpg

Sân vận động Domitian được đưa vào hoạt động vào năm 80 bởi hoàng để Titus Flavius Domitianus, với tư cách là một món quà mà ông dành tặng cho toàn thể người dân thành Rome.

Vào thời kỳ đầu, công trình này là nơi diễn ra các cuộc tranh tài của bộ môn điền kinh (môn thể thao vua thời bấy giờ). Vào năm 217, khi đấu trường Colosseum bị hỏa hoạn, Domitian còn được trưng dụng làm nơi tổ chức các cuộc chiến của võ sĩ giác đấu tạm thời. Hiện nay sân vận động hàng ngàn năm tuổi này đã gần như không còn dấu tích, mà thay vào đó là quảng trường Piazza Navona – địa điểm du lịch nổi tiếng ở Rome.

Đền Saturn

la_ma_7.jpg

Đền Saturn được người La Mã xây dựng vào năm 497 TCN dưới thời vua Tarquinius Superbus với mục đích thờ thần Saturn. Công trình kiến trúc tuyệt đẹp này từng bị hủy hoại gần như hoàn toàn sau các vụ hỏa hoạn và đã được xây dựng lại nhiều lần. Di tích mà chúng ta thấy ở thời điểm hiện tại, trên thực tế, là phiên bản thứ 3 của ngôi đền này.!

Lăng mộ Hadrian 

la_ma_8.jpg

Lăng mộ Hadrian là nơi chôn cất hoàng đế La Mã Hadrian (trị vì năm 117 – 138) cùng gia quyến của mình. Tuy nhiên, về sau nhiều vị hoàng để La mã khác cũng được yên nghỉ trong khu lăng mộ này như một truyên thống. Ở thời điểm hiện tại, công trình được sử dụng như một bảo tàng lịch sử.

Nhà hát Marcellus, đền Bellona và đền Apollo

la_ma_5.jpg

 Nhà hát Marcellus, đền Bellona và đền Apollo là ba công trình kiến trúc nổi tiếng thời La Mã có vị trí liền kề nhau. Qua hàng ngàn năm, trong khi nhà hát Marcellus vẫn còn duy trì được hiện trạng khá nguyên vẹn thì hai đền thờ đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt đền Apollo chỉ còn lại ba cột trụ ở cửa chính là có thể nhận diện được.

Đền thờ thần Castor và Pollux, đền thờ Caesar 

la_ma_6.jpg

Được xây dựng vào năm 495 TCN để kỷ niệm chiến thắng của người La Mã trong cuộc chiến hồ Regillus, đền thờ thần Castor và Pollux là nơi được chọn để tổ chức các cuộc hội họp của nghị viện La Mã. Ngay kế bên công trình này chính là đền Caesar (xây dựng năm 29 TCN), nơi thờ tụ tự vị hoàng đế vĩ đại nhất của người La Mã - Julius Caesar.

Minh Nhật

Theo BP