Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Vấn nạn không của riêng ai
(Dân trí) - Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch là một vấn đề hết sức phức tạp. Do tính chất đặc biệt và mức độ nguy hiểm của nó, Bộ tư pháp Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã cùng trao đổi trong kỳ họp nhóm thường niên, hợp tác để bảo vệ trẻ em khỏi tội phạm bóc lột tình dục xuyên quốc gia.
Ngày 27/10/2016 tại Hà Nội, Bộ tư pháp Việt Nam cùng Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) kết hợp tổ chức Kỳ họp thứ hai Nhóm nghiên cứu pháp luật Khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và Lữ hành. Cuộc họp có sự tham dự của các đại diện cấp cao từ bốn quốc gia trong khu vực Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, cùng các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Đại sứ quán Anh, JICA và các đối tác phát triển.
Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: những thực trạng đáng báo động
Thời gian gần đây, cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, ngành thông thương, du lịch giữa các quốc gia cũng phát triển mạnh. Thực trạng này mở ra nhiều cơ hội cho mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp bởi tình hình phạm tội ở lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em trong du lịch đang có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp.
Tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan bày tỏ sự quan ngại, gọi vấn đề này như một “mối đe dọa với toàn quốc gia” khi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng trở nên tinh vi. Thái Lan được coi là thiên đường du lịch, lượng du khách ồ ạt đổ về mỗi năm cũng tỉ lệ thuận với nguy cơ gia tăng vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Ở Campuchia, đây cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm, bởi theo số liệu thống kê đoàn Đại biểu đưa ra trong kỳ họp, từ tháng 1 đến tháng 9/2016, cả nước đã xảy ra 20 vụ buôn bán người, 42 vụ xâm hại tình dục đối với người có độ tuổi dưới 18. Bà H.E Chan Sotheavy, Quốc Vụ Khanh, Bộ Tư Pháp Campuchia chia sẻ: “Trước đây, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em diễn ra khá nhiều, tội phạm có thể là khách du lịch hoặc chính người bản địa. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để xóa bỏ tình trạng này.”
Tổng quan về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, đã có nhiều trường hợp đáng báo động, nhưng đó mới chỉ là phần chìm của tảng băng khổng lồ. Do ảnh hưởng tâm lý và văn hóa, nhiều cha mẹ có xu hướng giấu chuyện của con, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, hoặc cũng có khi do các con chưa nhận thức được đó là việc cần tố cáo”.
Đại diện các quốc gia chụp ảnh lưu niệm.
Bà cũng đồng thời chỉ ra tính chất đặc biệt của tội phạm trong lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em ở ngành du lịch. Các đối tượng lợi dụng chính sự mở cửa, hội nhập du lịch giữa các quốc gia để dễ dàng tiếp cận trẻ em và thực hiện xâm hại. Bên cạnh đó, tận dụng những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, các đối tượng thường di chuyển rất nhanh chóng, tránh được việc bị phát hiện và đưa ra công lý.
Mọi điều lệ suy cho cùng đều hướng đến bảo vệ quyền trẻ em
Ông Christopher Batt, phụ trách Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Trọng tâm các nỗ lực phòng chống du lịch tình dục trẻ em của chính phủ Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan, và Việt Nam là cải cách pháp luật và tư pháp”. Ông cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia đi đầu cho ý tưởng thành lập Nhóm nghiên cứu pháp luật khu vực về bóc lột tình dục trẻ em trong Du lịch và lữ hành.
Ông Christopher Batt, phụ trách Văn phòng cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc.
Dựa trên nguyên tắc hợp tác cùng phát triển, cả 4 quốc gia đã và đang bổ sung những điều luật hình sự riêng. Đưa vấn đề của các nước đặt lên bàn thảo luận, đại diện của từng khu vực có cơ hội nhận ra điểm vênh hoặc khoảng trống về pháp luật, từ đó nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tại kỳ họp, ngoài những điều luật được bổ sung, đại diện đoàn Thái Lan đưa ra những chiến lược và thành công bước đầu mà Đội đặc nhiệm của Thái Lan về Tội phạm Internet với trẻ em (TICAC) đã đạt được. Tuy mới thành lập chưa lâu, nhưng TICAC đã giải quyết hàng chục vụ án xâm hại tình dục trẻ em và xử lí nghiêm minh. Dự án này nhận được sự chú ý và ủng hộ từ đông đảo các đại biểu.
Đại diện các cơ quan, đoàn thể Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.
Trình bày về những đổi mới trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam đối với người phạm tội bóc lột tình dục trẻ em, ông Trần Văn Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hành chính Bộ pháp luật Tư pháp cho biết: “Trong quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật tố tụng năm 2015, có nhiều điều khoản đã được hoàn thiện và bổ sung nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tội xâm phạm tình dục nói chung và xâm phạm tình dục trong hoạt động du lịch nói riêng.”
Những điều luật mới có nội dung khá chi tiết, rõ ràng cả về đối tượng, độ tuổi lẫn giới tính. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, đây sẽ là những bước đi đầu để hạn chế vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở ngành du lịch.
Đại diện của các nước tham gia kỳ họp đồng tình nhấn mạnh, mọi điều luật được bổ sung, sửa đổi, mọi dự án được thông qua, suy cho cùng đều bảo vệ lợi ích và sự an toàn cho trẻ em, đồng thời hướng đến thực hiện những điều lệ đã cam kết trong Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.
Hoàng Ngọc