Bộ trưởng VHTT&DL: "Thị thực của Việt Nam thấp nhất trong ASEAN"

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thị thực chúng ta đứng thứ 116 trong khi đó Thái Lan 21 và Philipines 24, thấp nhất trong các nước ASEAN. Đây là một trong những lý do khiến năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bị đánh giá xếp hạng thấp.

Trong phiên trả lời chất vất trước Quốc Hội chiều 5/6, bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề “nóng” của ngành du lịch.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam xếp hạng thấp

Trong đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - TP Hà Nội thẳng thắn cho biết, theo xếp hạng của diễn đàn kinh tế thế giới, tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam rất thấp. Chúng ta chỉ xếp thứ 67 trên tổng số 136 nền kinh tế.

“Việt Nam xếp thứ 30 về tài nguyên văn hóa, 34 về tài nguyên thiên nhiên, 37 về tài nguyên nhân lực nhưng tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67. Đâu là nút thắt dẫn đến tình trạng này? Giải pháp đột phá để sớm cải thiện thứ hạng đưa du lịch Việt Nam vào nhóm đầu các nước Asean, đạt được mục tiêu cao mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra?”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết nguyên nhân vì sao ngành Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh, trong năm 2016 - 2017 tăng trưởng gần 30% nhưng 5 tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam lại tăng chậm lại, chỉ đạt 8,8%?

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thời gian qua du lịch Việt Nam đã có nhiều bước tiến. Trong 3 năm, ngành du lịch đã tăng gần gấp đôi lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến trong năm nay này ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra là đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Bộ trưởng VHTTDL: Thị thực của Việt Nam thấp nhất trong ASEAN - 1

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có những điểm mạnh về tài nguyên tự nhiên, văn hóa, sự canh tranh về giá… Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, vấn đề thị thực, độ ưu tiên trong ngành du lịch chưa cao. Đây cũng chính là lý do khiến năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bị đánh giá xếp hạng thấp.

“Chúng ta có chỉ số rất hạn chế như chỉ số về hạ tầng du lịch, chúng ta đứng thứ 113/136 trong đó Thái Lan đứng thứ 16, mức độ ưu tiên trong ngành du lịch chúng ta xếp hạng 101, Thái Lan hạng 34. Mức độ mở cửa quốc tế hạng 73, Thái Lan 52. Thị thực chúng ta đứng thứ 116 trong khi đó Thái Lan 21 và Philipines 24, thấp nhất trong các trong các nước ASEAN”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lý giải.

Về việc lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trong những tháng đầu năm nay, người đứng đầu Bộ VHTT&DL cho rằng, việc này đã nằm trong dự báo và không có gì lo ngại. Những năm trước, lượng khách đến từ Trung Quốc tăng khoảng 30%, nhưng năm nay lại giảm. Thậm chí, 5 tháng gần đây, khách đến từ quốc gia này không tăng.

Du lịch vẫn giống như “ngôi sao cô đơn” chưa được đặt đúng vị trí

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, muốn khắc phục được những tồn tại trên thì thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần phải đẩy mạnh công tác, quảng bá, xúc tiến tại những thị trường quan trọng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, phải nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch, cơ sở hạ tầng và vấn đề thị thực. 

"Riêng thị thực chúng ta chỉ cho phép thị thực đơn phương cho 24 nước và cấp thị thực điện tử 80 nước, trong khi Indonexia miễn 158, Philipin miễn 157... Đây là một trong những lý do khiến năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bị đánh giá xếp hạng thấp", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Bộ trưởng VHTTDL: Thị thực của Việt Nam thấp nhất trong ASEAN - 2

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, cho đến bây giờ du lịch Việt Nam vẫn giống như “ngôi sao cô đơn”, khi chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí.

Tuy nhiên, phần trả lời của người đứng đầu Bộ VHTT&DL được đại biểu quốc hội đánh giá là chưa quyết liệt, chỉ thẳng vào các điểm “nghẽn” của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

 “Bộ trưởng nêu, du lịch Việt Nam đến năm 2020 có thể đạt được mục tiêu đón được 17-20 triệu khách du lịch quốc tế. Nhưng mục tiêu là du lịch Việt Nam đóng góp trên 10% GDP và cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi thấy khó thực hiện được. Có lẽ Bộ trưởng ngại, nên chưa chỉ thẳng ra điểm nghẽn của ngành du lịch Việt Nam”, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng thẳng thắn.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, cho đến bây giờ du lịch Việt Nam vẫn giống như “ngôi sao cô đơn”, khi chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí. Du lịch chưa thực sự được coi là một ngành kinh tế tổng hợp và có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Vì thế cơ chế, chính sách đưa ra thiếu tính đột phá và thiếu tính kịp thời để du lịch có thể bứt phá.

“Chúng tôi thấy du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí, tương xứng với vị trí và điều kiện cần thiết của nó, sự phối hợp liên vùng, liên ngành chưa tốt. Bản thân Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch hoạt động cũng mờ nhạt và chưa có hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi rất nhiều lần rồi nhưng đến bây giờ du lịch vẫn là ngôi sao cô đơn ở góc độ nào đó”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trăn trở.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm