Bỏ dở đại học, 9X “dành cả thanh xuân” thực hiện hành trình xuyên Việt
(Dân trí) - Thay vì tiếp tục hoàn thành chương trình học tập ở đại học, Long quyết định bỏ ngang, bắt đầu rong ruổi trên những cung đường đến từng vùng miền xa xôi khắp cả nước để theo đuổi ước mơ nhiếp ảnh.
Bỏ dở đại học để theo đuổi đam mê xê dịch
Lê Quang Long (27 tuổi, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng là sinh viên đại học Kinh tế TP. HCM. Đầu năm 2012, cảm thấy bế tắc và chán nản với việc học, Long quyết định lên Đà Lạt với chiếc máy ảnh trong tay được bạn cho mượn.
Từ những bức ảnh đầu tiên tự chụp cho đến khi được những người đi trước “truyền lửa” bằng các câu chuyện về đời, về nghề, Long càng thêm yêu thích công việc chụp ảnh.
Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, Long quyết định từ bỏ việc học khi đang là sinh viên năm cuối để bản thân được theo đuổi trọn vẹn giấc mơ trở thành nhiếp ảnh gia.
Mặc dù vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình nhưng 9X tin rằng, đặc quyền đáng tự hào nhất của tuổi trẻ chính là sức vóc, năng lượng, sự liều lĩnh và phải sống sao để không cảm thấy hối tiếc về thời thanh xuân.
Để theo đuổi được con đường nhiếp ảnh thì phải đầu tư máy móc, thiết bị nhưng Long chẳng có gì ngoài chiếc laptop cũ đã dùng 4 năm và chiếc xe máy cũ hơn 10 năm sử dụng. 9x quyết định bán hết và bắt đầu những chuyến đi rong ruổi khắp mọi miền đất nước để thực hiện đam mê của mình.
Qua những chuyến đi, Long càng nhận ra tình yêu mãnh liệt với nghề nhiếp ảnh. Đi đến đâu, anh cũng cố gắng quan sát để lưu lại những bức ảnh chân thật nhất về cuộc sống sinh hoạt đời thường muôn màu muôn vẻ của người lao động khắp vùng miền Tổ quốc.
9 năm thực hiện nhiều hành trình xuyên Việt
Trên chặng đường đến với nhiếp ảnh, Long đã đi và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhưng thay vì đến những địa điểm du lịch hay check-in, Long đến các vùng quê, tìm hiểu nét văn hóa và tập trung lưu lại những khoảnh khắc về người dân bản địa.
Đến mỗi nơi, anh lại dành thời gian trải nghiệm cuộc sống, tham gia các công việc đồng áng, sản xuất cùng người dân, nghe họ kể chuyện đời thường.
Long trải lòng: “Mình xuất thân từ vùng quê Quảng Nam, từ bé đã gắn bó với công việc đồng áng nên luôn thấu hiểu và yêu mến những người dân lao động. Đến từng nơi, được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người, mình cảm nhận được sự chân chất ở họ.
Lắng nghe họ tâm sự, mình thấy yêu đời hơn và nhận ra rằng, phải tự tạo động lực cho bản thân để phấn đấu. Cũng vì thế mà mình quyết định thực hiện những bức ảnh về nụ cười người lao động. Từ những cụ già cho đến các em nhỏ, mỗi nhân vật lại mang đến cho mình những cảm xúc đặc biệt khác nhau”.
Đến mỗi nơi, Long sẽ xin ở nhờ và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt thường ngày cùng người dân trong khoảng 1-2 tuần. Ban ngày, anh phụ giúp người dân làm những việc đồng áng như lên nương rẫy, cuốc đất, trồng rau,... Mỗi vùng đất lại có điều kiện tự nhiên khác nhau.
Ở những nơi đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá, việc khai thác gặp nhiều khó khăn hơn. Long được học thêm cách trồng trọt, chăn nuôi từ người dân sao cho phù hợp với từng điều kiện tự nhiên để mưu sinh.
Chiều tối, anh cùng nấu nướng, ăn uống với người dân để hiểu thêm về văn hóa sinh hoạt, ẩm thực của từng vùng miền, địa phương. Nghỉ ngơi sau mỗi bữa cơm tối, Long lại có thời gian ngồi trò chuyện cùng người dân, lắng nghe họ kể những câu chuyện về cuộc đời, về tinh thần lạc quan vượt qua khó khăn.
Lao động, chia sẻ cùng người dân, trải nghiệm công việc mưu sinh hàng ngày của bà con giúp Long càng thấu hiểu những vất vả, khó khăn mà họ phải trải qua.
“Mình đến rất nhiều nơi nhưng nơi để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất chính là vùng đất Hà Giang. Ở vùng cao nguyên đá với phong cảnh đẹp hùng vĩ ấy, người dân có cuộc sống rất khó khăn.
Đặc biệt là nguồn nước rất hiếm hoi nên người dân chỉ canh tác lúa được 1 mùa, còn lại trồng ngô. Chứng kiến những ngôi nhà cheo leo vách núi, con người vượt dốc để mưu sinh và may mắn được lao động, canh tác cùng người dân nơi đây, mình mới cảm nhận được sự gian khổ của họ và càng khâm phục nghị lực, ý chí mạnh mẽ ấy”, Long tâm sự.
Đi đến đâu, Long cũng đều cố gắng ghi lại những bức ảnh chân thực nhất. 9 năm, chàng trai này đã thực hiện được rất nhiều bộ ảnh với hàng trăm ngàn khoảnh khắc “đắt giá” khác nhau. Mỗi lần trở về nhà, ngắm nghía “gia tài” là những bức ảnh nụ cười nhiều màu sắc, Long thấy tràn ngập hạnh phúc.
9 năm rong ruổi với vô số hành trình khám phá cùng hàng nghìn bức ảnh ghi lại “nụ cười người lao động” là quãng thời gian không quá dài nhưng đủ để Long có thêm trải nghiệm trong nghề nhiếp ảnh.
Chính những nụ cười tràn đầy lạc quan của người dân ở khắp cả nước đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai trẻ quyết tâm thực hiện nhiều hành trình ý nghĩa và lớn lao hơn.
Nói về dự định trong tương lai, Long cho biết, anh đang bắt tay thực hiện một cuốn tạp chí ảnh về nét đẹp lao động ở mọi vùng miền mà anh đã đi qua. Anh hi vọng cuốn tạp chí này sẽ là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ dám ước mơ và sống trọn với niềm đam mê của mình.
Long cũng đang xây dựng một nhóm thiện nguyện mang tên “Những bước chân xanh” hướng đến người lao động và trẻ em vùng cao với mong muốn có thể góp một phần công sức nhỏ bé giúp đỡ những người gặp khó khăn ở mỗi nơi mà anh ghé qua.
Anh cùng các thành viên trong nhóm mới đây đã hoàn thành kế hoạch mang nguồn nước sạch đến với bản làng nằm cheo leo bên vách núi, kết hợp tặng nhu yếu phẩm, công cụ để người dân phục vụ việc sản xuất, nâng cao kinh tế. Sắp tới, nhóm tiếp tục thực hiện chương trình thiện nguyện để mang mùa đông ấm áp đến với bà con vùng Tây Bắc.
Đến thời điểm hiện tại, Long cảm thấy hoàn toàn tự hào và tin tưởng vào con đường mình đã lựa chọn. Những gì anh làm được cũng khiến gia đình thay đổi suy nghĩ và ủng hộ nhiệt tình. Với nguồn thu nhập kiếm được từ nghề dịch vụ cưới, anh để một khoản nhỏ dành cho các chuyến đi.
Anh vẫn không ngừng khám phá các vùng miền để bổ sung vào “gia tài” của mình những bộ ảnh chất lượng, độc đáo hơn nữa.