Bình Định phát triển điểm đến "3 không"
(Dân trí) - Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bình Định phấn đấu trở thành điểm du lịch "3 không", bao gồm không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin.
Chiều 11/5, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2025 với mục tiêu đưa Bình Định trở thành điểm đến du lịch "3 tốt" (an ninh tốt, môi trường tốt, quan hệ cộng đồng tốt) và "3 không" (không chặt chém, không giành giật khách, không người ăn xin) hướng tới thương hiệu du lịch Bình Định: An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn và trong tương lai, lấy điểm nhấn là "Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN".
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 384 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng; 35 doanh nghiệp lữ hành, trong có 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 25 doanh nghiệp lữ hành địa phương. Lực lượng lao động trong ngành hiện nay là 9.500 lao động.
Từ năm 2017 đến 2021, Bình Định đón 16 triệu lượt khách, doanh thu thuần túy từ hoạt động du lịch đạt 16,5 nghìn tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, hoạt động du lịch cả nước nói chung và Bình Định nói riêng bên cạnh thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 gây thiệt hại lớn cho du lịch.
Cùng với toàn ngành, Hiệp hội Du lịch Bình Định nói chung, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng đã kịp thời đề ra những giải pháp ứng phó, tăng cường thu hút du khách, tạo thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ… góp phần tạo mức tăng trưởng khá trong phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Lê Thanh Sang - Giám đốc Khách sạn Hải Âu - khẳng định ngành du lịch, các dịch vụ khác chắc chắn sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, vì vậy hệ thống khách sạn, nhà hàng cần nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng đa dạng các loại hình. Xứng đáng là biểu tượng của lòng hiếu khách mà khách du lịch đánh giá, góp phần cho du lịch Bình Định phát triển.
Tuy nhiên, ông Sang cũng nhìn nhận vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện này là chất lượng nhân sự phục vụ đang thiếu, yếu và chưa đạt yêu cầu. Thực tế sau đại dịch Covid-19, hầu hết các công ty kinh doanh khách sạn, lữ hành, nhà hàng… mới quay trở lại nên đội ngũ nhân sự thiếu khá nhiều, số nhân viên mới tuyển chưa kịp đào tạo. Thậm chí, nhiều lao động không còn tha thiết gắn bó với nghề, dẫn đến tình trạng phục vụ khách chưa đạt chuẩn.
"Trong những dịp lễ vừa qua, TP Quy Nhơn quá tải phục vụ du khách, dù khách hàng rất chia sẻ, thông cảm vì du lịch mới phục hồi. Tuy nhiên để đạt chuẩn, ngành du lịch còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho đội ngũ phục vụ…", ông Sang nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, để du lịch Bình Định phát triển mạnh mẽ cần tăng cường quảng bá điểm đến vì địa phương chưa có lợi thế cạnh tranh với các điểm đến quen thuộc như: Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc; đầu tư mở rộng sân bay để có thể trở thành sân bay quốc tế, đón các chuyến bay thương mại thường xuyên thay vì các chuyến charter như hiện nay…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định Du lịch là một trong 5 trụ cột tăng trưởng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút 8 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế; đóng góp của hoạt động du lịch vào tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh đạt 20%.
Ông Lâm Hải Giang yêu cầu trong thời gian tới, Hiệp hội cùng với Sở Du lịch, doanh nghiệp du lịch xây dựng nhiều chương trình kích cầu nội địa, tạo ra sản phẩm phù hợp, thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19, để du lịch Bình Định không lỡ nhịp phục hồi và phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Định trở thành điểm đến: An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn.