Bí ẩn cây si nghìn tuổi ở Tràng An

Ít người được vào khu vực thung lũng (khu 2 Tràng An - Ninh Bình), nơi còn một cánh rừng nguyên sinh, chim phượng bay ríu rít, bìm bịp và cá rô tiến vua bơi tung tăng. Nơi ấy được che chở bởi một cây si nghìn tuổi với bộ rễ ôm lấy cả thung lẫn núi.

Năm 2012 khi ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an về đảm nhiệm vai trò Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, nơi đặt chân đầu tiên của ông là thung lũng Tràng An. Ông Nam đi qua 3 chặng đường, với khoảng 2 giờ đồng hồ và xắn quần “móng lợn” để qua đầm lầy.

 

Nhóm ký giả kênh truyền hình CNN (Mỹ) còn ăn ngủ tại cánh rừng nguyên sinh này cả tháng trời để ghi lại những hình ảnh độc nhất về thung lũng, cho ra đời tác phẩm “Hãy lắng nghe lời thì thầm của thiên nhiên hoang dã”.

 

Một phần rễ cây si. Ảnh: Minh Đức
Một phần rễ cây si. Ảnh: Minh Đức



Đoạn phim với hình ảnh một miền đất Việt Nam đẹp hoang sơ, mang nhiều bí ẩn của thiên nhiên, đã lên sóng liên tục trong 2 tháng trên kênh CNN. Đánh giá của Invest Consult Group cho thấy, những người đã xem đoạn phim tại Mỹ, Anh, Pháp.., đều cảm thấy ngạc nhiên về vẻ đẹp của Tràng An.

 

Đi đò qua 12 hang động lắt léo quanh co, là đến đền Trần. Qua đền Trần thì đến thung lũng Tràng An nơi hiện chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, nguyên thủ quốc gia. Người trông coi đền Trần, ông Dương Đình Thanh (Hoa Lư, Ninh Bình), kể, theo các tích để lại trên bia đá cho thấy, thung lũng Tràng An là nơi từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp cách đây 1.000 năm.

 

Tướng Phạm Bạch Hổ đem 1.000 quân vào thung lũng ẩn náu, và lấy thung lũng làm căn cứ rèn đao luyện kiếm, khôi phục binh mã tính chuyện thôn tính Lê Hoàn nhằm giành lại quyền bính cho nhà Đinh.

 

Thông tin bị bại lộ, Lê Hoàn đem quân bao vây thung lũng. Khu vực độc đạo khiến quân lính của Phạm Bạch Hổ cạn lương nhanh chóng, ông cùng 1.000 binh sỹ đã thiệt mạng. Máu chảy khắp thung, nên ngày nay người Tràng An còn gọi thung lũng này là Vụng Thắm.

 

Du khách nước ngoài mê mẩn Tràng An. Ảnh: Minh Đức
Du khách nước ngoài mê mẩn Tràng An. Ảnh: Minh Đức



Câu chuyện như một huyền thoại của người Tràng An, còn chính sử thì ghi rằng: Tướng Phạm Bạch Hổ là người gắn với 3 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Bia đá tại đền Trần ghi, sau khi chôn cất 1.000 binh sỹ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ 1 cây si.

 

Nhưng chuyện lạ là 1.000 cây si ấy đã gắn kết lại với nhau, bộ rễ của nó lan tỏa ra 54ha. Mặc dù rất nhiều rễ vắt ngang dọc thung lũng và trùm lên mấy quả núi, song chúng chỉ dính vào một thân duy nhất.

 

Quan sát từ trên cao, thấy rõ tất cả các rễ đều hướng về một tâm. Cây si xanh tốt thì xuất hiện đàn chim phượng. Bây giờ, đàn chim phượng vẫn thường xuất hiện trên cây si trong những dịp lễ, Tết của đất nước.

 

Dưới nước là đủ loại cá, đặc biệt là cá rô tiến vua bơi lượn dưới những cánh hoa sen hoa súng. Hiện loài cá này đang được một số hộ gia đình tại Gia Viễn nuôi nhân giống. Du khách về đầu TP Ninh Bình (đối diện núi Kỳ Lân) vào buổi sáng là có thể thưởng thức đặc sản cá rô tiến vua.

 

Theo ông Thanh, loài cá này ngoài tự nhiên chỉ duy nhất còn lại tại thung lũng Tràng An nơi chúng được bảo vệ nghiêm ngặt như một loài nằm trong sách đỏ!

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, năm 2013 doanh thu từ du lịch đạt gần 900 tỷ đồng, tăng hơn 32 lần so với năm 2001. Mục tiêu đến năm 2015, khách du lịch đến Ninh Bình đạt 6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 1.500 tỷ đồng.
 
Theo Minh Đức
Tiền phong