Bên trong nhà máy sản xuất tới 18 tấn mỳ gạo tươi mỗi ngày
(Dân trí) - Do nhu cầu từ thực khách tại địa phương rất lớn, nên một nhà máy ở miền nam Trung Quốc mỗi ngày phải xuất ra thị trường tới 18 tấn mỳ gạo tươi.
Mỳ gạo vốn là món ăn chính được nhiều người dân và thực khách ở khu vực tây nam Trung Quốc lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày. Nếu như người Italia thường ăn pasta, người Pháp có bánh mỳ truyền thống, thì ở Vân Nam, người dân ăn mỳ gạo quanh năm suốt tháng.
Tuy nhiên, thứ mỳ gạo tươi có thời gian sử dụng rất ngắn vì không dùng chất bảo quản, nên tất cả phải sản xuất, giao hàng và tiêu thụ trong khoảng 24 giờ.
Để phục vụ nhu cầu rất lớn của thực khách tại địa phương, một nhà máy ở tỉnh Vân Nam thuộc miền nam Trung Quốc mỗi ngày phải xuất ra thị trường tới 18 tấn mỳ gạo tươi và làm việc gần như hết công suất.
Cùng theo chân các phóng viên tới xem hàng chục tấn mỳ tươi được sản xuất mỗi ngày ra sao.
Đầu tiên, các công nhân sẽ ngâm gạo trong nước và để lên men suốt 16 tiếng. Đây là quá trình giúp điều chỉnh tinh bột, đồng thời làm sợi mỳ có kết cấu dai đặc trưng.
Tiếp đó, gạo được xay thành bột nhão, trộn thêm nước tạo thành hỗn hợp sệt hơn. Hỗn hợp này sẽ qua máy nén lại rồi nặn thành sợi mỳ. Những sợi mỳ này được chần và rửa trong nước lạnh cho tới khi nguội. Ở công đoạn cuối cùng, các công nhân sẽ kiểm tra thành phẩm lần cuối và đóng gói.
Tất cả không có hàng tồn kho, bởi chúng được vận chuyển thẳng tới các nhà hàng, quán ăn ngay lúc nửa đêm, phục vụ nhu cầu quanh năm của thực khách.