"Bất cứ ai đến Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Nhắc đến Lý Sơn là nhớ đến tỏi, nói tới tỏi cô đơn là nhớ đến Lý Sơn, bất cứ ai khi đến với Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Đó là khẳng định của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN&PTNT) tại sự kiện Nâng tầm đặc sản tỏi Lý Sơn và Lễ ký kết cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn, diễn ra tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngày 1/7.

Bất cứ ai đến Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại sự kiện (Ảnh: N.V.).

Theo ông Tiến, huyện đảo Lý Sơn là tiền tiêu của Tổ quốc. Đây là xứ sở biển xanh cát trắng nắng vàng với lịch sử oanh liệt trong khẳng định chủ quyền biển đảo. Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa và lấy người ở nơi đây ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm.

Lý Sơn cũng gắn liền với nhiều sản vật nổi tiếng trong đó có tỏi Lý Sơn. Tỏi Lý Sơn đã trở thành đặc sản nổi tiếng và nhãn hiệu của vùng.

Năm 2017, tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách "Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam" của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 2421/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2020.

"Nhắc đến Lý Sơn là nhớ đến tỏi, nói tới tỏi cô đơn là nhớ đến Lý Sơn. Bất cứ ai khi đến với Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà cho gia đình và bạn bè", ông Tiến khẳng định.

Năm 2022, huyện Lý Sơn đã phát triển được hơn 300ha đất trồng tỏi, cho sản lượng hơn 2.000 tấn mỗi năm, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trồng tỏi trên đảo.

Bất cứ ai đến Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà - 2

Sản xuất tỏi tại Lý Sơn có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng đến môi trường đất, áp lực chuyển đổi đất nông nghiệp... (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tuy nhiên, theo ông Tiến, sản xuất tỏi tại Lý Sơn có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng đến môi trường đất, áp lực chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển đô thị, phục vụ du lịch và điều kiện thời tiết, khí hậu thay đổi.

"Do đó, việc bảo tồn và khai thác giá trị của cây tỏi Lý Sơn một cách bền vững, nâng tầm tỏi Lý Sơn, để tỏi Lý Sơn không chỉ là củ tỏi đơn thuần mà chính là thương hiệu của Lý Sơn, là hồn cốt của đất và người Lý Sơn là việc làm cấp bách và thiết thực", ông Tiến nhấn mạnh.

Thay mặt cho Bộ NN&PTNT, ông Tiến ghi nhận, đánh giá cao buổi lễ ký kết cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn. Đây là hành động, một bước đi thiết thực, giúp người nông dân trồng tỏi nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Ông Tiến tin tưởng, với sự đồng hành của các doanh nghiệp với người nông dân trồng tỏi sẽ tạo động lực, là nền tảng cho việc sản xuất tỏi Lý Sơn bền vững, hiệu quả, nâng tầm và tạo dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Bất cứ ai đến Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà - 3

Hệ thống tưới tự động tại các khu vực trồng hành, tỏi ở đảo Lý Sơn (Ảnh: Nguyễn Dương).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thêm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng, Chính phủ, bộ ngành và các cấp chính quyền quan tâm. Nhưng để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiệu quả, bền vững phải cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các doanh nghiệp, đó cũng là trách nhiệm, bổn phận của doanh nghiệp.

Bất cứ ai đến Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà - 4

Trên đảo Lý Sơn không phải vụ tỏi, mà đang là vụ hành tím (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ngành nông nghiệp tại nhiều địa phương đang nắm giữ nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn của đất nước. Vì vậy, ngành cần nhiều hoạt động để đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, trước người nông dân, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thành tựu, kết quả chung.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn… để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho hàng nông sản Việt Nam.